Hướng dẫn tập vận động cho bệnh nhân đái tháo đường
Các bệnh nhân Đái tháo đường thường được bác sĩ yêu cầu tập vận động nhằm giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng tốt hơn. Vậy trước, trong và sau khi tập, bệnh nhân cần chú ý những vấn đề nào? Với bài viết dưới đây, các bác sĩ của phòng khám Hợp Nhân sẽ cung cấp các thông tin cần thiết và ngắn gọn nhất để các bệnh nhân có thể dễ áp dụng trong cuộc sống của mình.
NGUYÊN TẮC CHÍNH
- Vận động bao gồm 2 phần chính:
- Các bài tập để tăng thể lực, hỗ trợ tuần hoàn và tiêu hao năng lượng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga, dưỡng sinh…: tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần (ít nhất 150 phút mỗi tuần)
- Các bài tập để tăng sức cơ, cải thiện tình trạng đề kháng insulin như tập tạ, hít đất, squat, tập với xà ngang…: tập ít nhất 2 ngày mỗi tuần, mỗi lần 20-30 phút
- Vận động đạt được hiệu quả khi việc tập luyện được duy trì đều đặn, tránh tập dồn vào cùng một ngày và nghỉ nhiều ngày liên tiếp sau đó (tránh nghỉ tập quá 2 ngày liên tiếp). Đồng thời việc tập luyện nên đạt đến cường độ trung bình (đổ mồ hôi, vẫn có thể nói chuyện được lúc tập). Thời gian và cường độ tập nên tăng từ từ để bệnh nhân quen dần.
- Trước khi chọn bài tập cần tư vấn với bác sĩ điều trị để được tầm soát các biến chứng mạn của Đái tháo đường, từ đó chọn lựa bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý hiện tại, tránh làm nặng thêm các biến chứng đang có.
- Việc tập luyện và mục tiêu đạt được nên được cá thể hóa tùy từng bệnh nhân.
GỢI Ý CÁC BÀI TẬP PHÙ HỢP VỚI CÁC BỆNH NHÂN CHƯA CÓ HOẶC ĐÃ CÓ BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- Bệnh nhân trẻ, thừa cân hoặc béo phì, chưa có biến chứng mạn: có thể tập được hầu hết các môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, cầu lông, yoga…
- Bệnh nhân có biến chứng võng mạc tăng sinh mạch máu nên TRÁNH các bài tập làm tăng áp lực cho ổ mắt như tập tạ, lặn sâu hoặc các bài tập cần nín thở lúc tập.
- Bệnh nhân có các vấn đề về khớp, béo phì, lớn tuổi nên cân nhắc chọn các bài tập ít tác động lực lên khớp như bơi lội, đạp xe đạp, yoga, dưỡng sinh…
- Bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại biên như giảm, mất cảm giác chi dưới, biến dạng bàn chân do Đái tháo đường, nhiều nốt chai bàn chân nên chọn các bài tập ít tì đè, tác động lên các vùng chân biến dạng như bơi lội, yoga, dưỡng sinh, khí công…
- Bệnh nhân có các vấn đề về thần kinh tự chủ như hạ huyết áp tư thế nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế đột ngột như một số bài tập yoga, dưỡng sinh, khí công…
- Bệnh nhân lớn tuổi, có các bệnh lý tim mạch (thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim trước đây, suy tim…) hoặc đã có nhiều biến chứng nặng nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, tại chỗ, tránh gắng sức quá mức. Việc tập luyện không nên đặt nặng việc phải đạt được mục tiêu mà có thể gây ra các bất lợi khác cho bệnh nhân.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM:
-
Trước khi tập
- Bắt đầu bằng các bài tập khởi động, giãn cơ 5-10 phút như xoay cổ, vai, cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu; các bài lườn nghiêng trái phải, gập lưng…
- Tránh tập khi đang đói hoặc quá no. Thời gian tập luyện phù hợp thường là 1 đến 2 giờ sau khi ăn, đặc biệt là sau ăn tối và trước khi đi ngủ.
- Những ngày đầu mới bắt đầu tập nên tự kiểm tra đường huyết và huyết áp trước và sau khi tập để đánh giá bài tập có phù hợp với bản thân không, nếu đường huyết sau khi tập không bị thấp quá mức ( dưới 70mg/dl) hoặc không tăng quá cao thì có thể tiếp tục bài tập này ở những ngày sau. Khi mức đường huyết quá cao trên 250 mg/dl kèm nhiễm ceton dương nên ngưng tập với cường độ mạnh, cho đến khi đường huyết ổn định trở lại.
- Kiểm tra bàn chân xem có các vết thương, nốt chai để tránh việc tập luyện làm nặng hơn tình trạng bệnh
- Tránh tập ở môi trường quá nóng hoặc quá lạnh
-
Trong lúc tập
- Uống đủ nước
- Giữ mức tập ở cường độ cơ thể vẫn đủ sức để nói chuyện
- Ngưng tập khi: kiệt sức, chóng mặt, choáng váng, đau nặng ngực, khó thở
- Nhịp tim khi tập nên dao động từ 50-70% nhịp tim tối đa dựa theo công thức:
Nhịp tim khi tập = (220 – tuổi) x 50% hoặc 70%
Ví dụ người 50 tuổi: Nhịp tim khi tập= (220 – 50) x 50% hoặc 70%, dao động từ 85 đến 119 lần/phút là ổn
-
Sau khi tập
- Uống đủ nước
- Tập các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng trước khi kết thúc buổi tập
- Những bệnh nhân đang dùng insulin hoặc các thuốc kích thích tiết insulin (nguy cơ hạ đường huyết nhiều) nên tham khảo bác sĩ điều trị để điều chỉnh liều thuốc và thời điểm dùng thuốc cho phù hợp nếu bắt đầu kế hoạch tập luyện lâu dài để tránh cơn hạ đường huyết.
HƯỚNG DẪN CÁCH TẬP CỤ THỂ CHO MỘT SỐ BÀI TẬP:
- Các bài tập có thể áp dụng:
- Tập trong nhà: đi, chạy trên thảm lăn; động tác chèo thuyền, đạp xe tại chỗ
- Tập ngoài trời: đi bộ, chạy, trượt băng
- Khác: Nhảy tại chỗ, chạy bộ, nhảy dây, đạp xe đạp, bơi, tennis, bóng rổ, đá banh, cầu lông
- Đi bộ nên đi với vận tốc 60-100 bước/phút
- Nên bắt đầu với quãng đường ngắn rồi tăng dần. Giai đoạn đầu có thể đi/chạy với tốc độ 100 mét trong 3-4 phút, mỗi lần đi/chạy 300-500 mét, có thể chia 2-3 đợt nghỉ ngắn khoảng 2-3 phút. Sau đó tăng dần lên với quãng đường 1000 mét trong 15-20 phút với 2-3 đợt nghỉ ngắn.
- Nên chọn một môn thể thao phù hợp để tập lâu dài và có bạn cùng tập để tăng khả năng tuân thủ, tạo động lực và niềm vui khi tập luyện
Các bài tập thể dục trong bệnh lí tim mạch ở đường link dưới đây phù hợp cả cho bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân có thể tham khảo thêm cách tập cụ thể của một số bài tập tại đây: Tập thể dục trong bệnh lý tim mạch – Y Khoa Hợp Nhân (ykhoahopnhan.vn)
Tài liệu tham khảo:
- Sách Hướng dẫn dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường Việt Nam, 2021, Nhà xuất bản Y học, biên soạn: PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, BSCKI Nguyễn Thị Ánh Vân
- Sheri R. Colberg et.al; Physical Activity/Exercise and Diabetes: A Position Statement of the American Diabetes Association. Diabetes Care1 November 2016; 39 (11): 2065–2079. https://doi.org/10.2337/dc16-1728
- S. Department of Health and Human Services. Physical Activity Guidelines for Americans, 2nd edition. Washington, DC: U.S. Department of Health and Human Services; 2018
(Nguồn: Sách Hướng dẫn dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường Việt Nam)
Hình 2: Tập dưỡng sinh (Nguồn: Active health)
Hình 3: Đạp xe đạp (Nguồn: Active health)
Hình 4: Thư giãn cơ (Nguồn: Active health)