Các nguyên nhân gây sai số khi thử đường huyết mao mạch

Có bao giờ bạn thử đường huyết ở ngón tay và thấy sao các kết quả chênh lệch nhau nhiều quá không? Nếu có thì hãy kiểm tra xem mình có gặp phải các nguyên nhân phía dưới này không nhé!

  1. Hay gặp nhất là không rửa tay trước khi thử hoặc lau cồn còn ướt quá mà đã bấm thử ngay. Hiện nay, các que thử đều chỉ cần 1 lượng máu rất nhỏ nên chỉ cần 1 lượng đường cực nhỏ (từ thức ăn hay đồ uống) dính trên tay lúc thử là sẽ làm chỉ số đường huyết tăng vọt lên rất cao. Ví dụ như vừa mới bóc vỏ chuối ăn xong, chỉ lau khăn giấy khô, xong lát quay lại bấm thử đường là sẽ thấy chỉ số dao động liền.
  2. Nhiệt độ và độ cao. Ví dụ như khi bạn thử đường ở Sài Gòn sẽ có thể khác xíu so với khi lên Đà Lạt thử, tuy nhiên sự chênh lệch này không quá nhiều, và với hầu hết các máy thì chênh lệch so với chỉ số thực sự không quá 5-15%
  3. Tình trạng thiếu máu hay cô đặc máu. Nếu bạn có bệnh lý gây thiếu máu hay đa hồng cầu, cô đặc máu, khi thử đường cũng gây ra sai số so với chỉ số thực sự.
  4. Do 1 số thuốc và bệnh lý: bệnh lý gây tăng/giảm oxy máu, tăng axit uric, tăng triglyceride, thuốc như acetaminophen, L-dopa, axit ascorbic…
  5. Do que hết hạn hoặc que bảo quản không đúng. Ví dụ như que để lâu quá, lớp hóa chất phủ sẵn trong khe dẫn có thể bị ảnh hưởng, bị giảm thể tích… dẫn đến không đủ tỉ lệ để phản ứng với lượng glucose trong máu. Hoặc khi lấy que bạn không đóng nắp lọ que ngay mà để que tiếp xúc với không khí lâu quá, dẫn đến các que càng về sau càng không chính xác.
  6. Do thao tác đâm kim, gắn que vô máy, đặt que tiếp xúc giọt máu để máu tự dẫn vô khe…
  7. Thử đường sau ăn thường đường huyết sẽ dao động rất nhiều nên tốt nhất là thử đường đói để đánh giá ổn định đường huyết tốt hay chưa, trong các trường hợp cần thử đường sau ăn để đánh giá thì có thể thử sau 1h, sau 2h.

Ở bài tiếp theo, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số cách để khắc phục các sai số này nhé. Quý bệnh nhân quan tâm vấn đề nào có thể để thêm bình luận phía dưới để các bác sĩ ở Phòng khám Hợp Nhân giải đáp nhé!

BSCKI. Trần Đình Phương Trân