Trò chuyện cùng Bác sỹ  –  Ngày 22/12/2018

Những thắc mắc mà người bệnh trao đổi cùng Bác sĩ trong buổi trò chuyện ngày 22/12/2018

1. Người bệnh: Bị men gan cao thì có bị ảnh hưởng gì không?

Bác sĩ : Tăng men gan có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm hay tổn thương tế bào gan. Tăng men gan thường được phát hiện tình cờ và đa phần là tăng nhẹ và thoáng qua. Trong một số trường hợp khác, tăng men gan là dấu hiệu của một bệnh lý gan mạn và tổn thương gan nghiêm trọng.

Các nguyên nhân thường gặp gây tăng men gan:

  • Thuốc. Vd: Acetaminophen, statin …
  • Rượu.
  • Viêm gan virus A, B, C…
  • Gan nhiễm mỡ.

Tùy vào nguyên nhân tăng men gan khác nhau mà phương pháp điều trị và tiên lượng cũng rất khác nhau.

2. Người bệnh: Nếu đã có kháng thể thì có cần tiêm ngừa viêm gan B không?

Bác sĩ : Nếu đã có kháng thể (anti HBs > 10 mUI/mL) thì không cần tiêm ngừa viêm gan B nữa.

 

3. Người bệnh: Khi xét nghiệm có kháng thể thì có cần uống thuốc không?

Bác sĩ : Viêm gan B có nhiều loại kháng thể khác nhau: Anti HBs, Anti HBe và Anti HBc.

Nếu bạn đã có kháng thể anti HBs, nghĩa là bạn đã từng tiêm ngừa viêm gan B hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B và đã khỏi bệnh, trong trường hợp này bạn không cần uống thuốc điều trị viêm gan B.

Nếu bạn có kháng thể anti Hbe hoặc anti HBc mà không có kháng thể anti HBs thì tùy vào từng trường hợp mà bạn cần phải uống thuốc điều trị viêm gan B mạn hoặc chỉ cần theo dõi.

Bạn có thể tham khảo thêm bài báo dưới đây để biết thêm chi tiết:

http://ykhoahopnhan.vn/2018/11/07/viem-gan-virus-b-la-gi-phan-1/

http://ykhoahopnhan.vn/2018/11/07/viem-gan-virus-b-la-gi-phan-2/

http://ykhoahopnhan.vn/2018/11/07/viem-gan-virus-b-la-gi-phan-3/

4. Người bệnh: Chưa bao giờ chích ngừa thì bây giờ chích ngừa có được không?

Bác sĩ: Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm HBV (virus viêm gan B) cao, dó đó nếu bạn chưa tiêm ngừa viêm gan virus B thì bạn nên đi kiểm tra và tiêm ngừa.

5. Người bệnh: Muốn tiêm ngừa viêm gan B thì có phải đi xét nghiệm?

Bác sĩ: Trước khi tiêm ngừa bạn sẽ được xét nghiệm xem bạn có đã bị nhiễm HBV và đã có kháng thể kháng HBV hay chưa. Nếu bạn không bị nhiễm HBV và chưa có kháng thể thì bạn sẽ được tiêm ngừa.

 

6. Người bệnh: Tiêm vắc xin cho bé mới sinh?

STT Tuổi của trẻ Vắc xin sử dụng
1 Sơ sinh
  • Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh
  • Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao
2 02 tháng
  • Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib  mũi 1 mũi 1(vắc xin 5 trong 1)
  • Uống vắc xin bại liệt lần 1
3 03 tháng
  • Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib  mũi 1 mũi 2
  • Uống vắc xin bại liệt lần 2
4 04 tháng
  • Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3
  • Uống vắc xin bại liệt lần 3
5 09 tháng Tiêm vắc xin sởi mũi 1
6 18 tháng
  • Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4
  • Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR)
7 Từ 12 tháng tuổi
  • Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1
  • Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2

(hai tuần sau mũi 1)

  • Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3

(một năm sau mũi 2)

8 Từ 2 đến 5 tuổi Vắc xin Tả 2 lần uống (vùng nguy cơ cao)

  (lần 2 sau lần một 2 tuần)

9 Từ 3 đến 10 tuổi Vắc xin Thương hàn tiêm 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao)

7. Người bệnh: Khi bị gan nhiễm mỡ thì cách điều trị? Vitamin E điều trị được gì cho bệnh gan nhiễm mỡ? 

Bác sĩ: Gan nhiễm mỡ có nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ mà có cách điều trị khác nhau.

Ở đây, xin nói về gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), là bệnh gan đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới:

Hiện tại gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tốt nhất là giảm cân và thay đổi lối sống, một số loại thuốc cho thấy có thể cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin E cải thiện tình trạng tăng men gan, tình trạng nhiễm mỡ và cải thiện mô học gan, tuy nhiên vẫn còn có những lo ngại về tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài vitamin E.  Hiện tại, việc sử dụng vitamin E trong điều trị NAFLD chỉ giới hạn ở một số trường hợp nhất định

Bạn có thể tham khảo thêm về gan nhiễm mỡ tại đây: http://ykhoahopnhan.vn/2018/09/24/gan-nhiem-mo-khong-ruou-nafld-mot-van-de-dang-gia-tang/

8. Người bệnh: Khi trên 60 tuổi có nên chích ngừa viêm gan B nữa hay không?

Bác sĩ: Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỳ lệ nhiễm HBV cao nên nếu có đủ điều kiện, Ông (bà) vẫn nên tiêm ngừa viêm gan virus B.

 

Một số hình ảnh ghi lại buổi ” Trò chuyện cùng Bác sĩ”