Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan B

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh thường gặp, nó ảnh hưởng đến nhiều đối tượng ở nhiều lứa tuổi trên toàn thế giới. Bệnh gây ra bởi một loại virus có khả năng lây nhiễm cao tấn công vào gan và có thể dẫn đến tổn thương gan. Trong một số trường hợp gây tử vong. Ước tính có 850.000 người ở Hoa Kỳ và khoảng 350 triệu người trên toàn thế giới hiện đang bị nhiễm.

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm gan B là tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B, một loại vắc-xin được sử dụng trong hơn ba thập kỷ qua và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Ai có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B?

Bất cứ ai chưa chủng ngừa đều có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm có thể tăng cao hơn cụ thể như:

  • Công việc thường xuyên tiếp xúc với máu
  • Gia đình có người mắc viêm gan B mãn
  • Tiêm chích bừa bãi
  • Quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B hoặc quan hệ tình dục bừa bãi, đồng giới…
  • Du lịch hoặc cư trú tại các vùng có tỉ lệ mắc bệnh cao như châu Á, châu Phi, lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ, các quần đảo Thái Bình Dương, Đông Âu, hoặc Trung Đông
  • Người đang hoặc sắp chạy thận
  • Người bị tiểu đường

 Viêm gan B lây truyền như thế nào?

Viêm gan B được tìm thấy trong máu và trong một số dịch cơ thể người bị nhiễm, chẳng hạn như huyết thanh, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Viêm gan B đã được chứng minh là không lây lan qua mồ hôi, nước mắt, nước tiểu, hoặc dịch tiết đường hô hấp.

Virus viêm gan B có thể lây lan khi:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Dùng chung kim tiêm
  • Mẹ truyền sang con trong khi sinh
  • Tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở của người bị nhiễm
  • Chia sẻ các vật dụng chăm sóc cá nhân như dao cạo hoặc bàn chải đánh răng
  • Nhai thức ăn để mớm trẻ sơ sinh hoặc dùng chung kẹo cao su.
  • Sử dụng kim tiêm không được khử trùng khi xỏ lỗ tai, xăm mình hoặc châm cứu
  • Qua kim chích hoặc các vật nhọn do công việc

Viêm gan B KHÔNG lây lan khi:

  • Tiếp xúc bình thường, như nắm tay
  • Ăn thức ăn được nấu bởi người nhiễm bệnh
  • Hôn hoặc ôm
  • Dùng chung chén, đĩa hoặc ly
  • Đến thăm nhà của một người bị nhiễm bệnh
  • Hắt hơi hoặc ho
  • Cho con bú

Các triệu chứng của nhiễm viêm gan B là gì?

Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không biểu hiện triệu chứng nào khi bị nhiễm. Khoảng một nửa số người trưởng thành bị nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Một số trường hợp có thể gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:

  • Giảm khẩu vị
  • Buồn nôn ói mửa
  • Sốt
  • Yếu, mệt mỏi, không có khả năng làm việc trong nhiều tuần hoặc vài tháng
  • Đau bụng
  • Vàng da và mắt
  • Đau khớp
  • Nước tiểu có màu nâu như nước cola
  • Phân màu như đất sét

Người ta có thể bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B hay không?

Đại đa số người lớn bình phục sau vài tháng. Những người này khỏi bệnh và trở nên miễn nhiễm. Điều này có nghĩa là họ sẽ không bị nhiễm viêm gan B nữa. Họ đã sạch bệnh và không còn khả năng lây truyền bệnh viêm gan B cho người khác.

Tuy nhiên, khoảng 2% người lớn và hơn 90% trẻ em dưới 1 tuổi không thể loại virus ra khỏi cơ thể từ đó bệnh tiến triển thành mãn tính.

Làm cách nào để biết tôi bị nhiễm viêm gan B hay không?

Cách duy nhất để biết bạn đang bị nhiễm viêm gan B hay đã hồi phục, chuyển sang viêm gan mãn, mới bị nhiễm bệnh… là dùng các xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu cơ bản dùng chẩn đoán, điều trị viên gan B gồm:

  • HBsAg (tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B): khi kết quả “dương tính” có nghĩa là người đó hiện đang bị nhiễm viêm gan B và có thể truyền bệnh cho người khác.
  • Anti-HBs (còn gọi là HbsAb – kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B): khi kết quả “dương tính” có nghĩa là người đó đã miễn dịch với viêm gan B do đã tiêm chủng hoặc do đã từng mắc bệnh trong quá khứ.
  • Anti-HBc (còn gọi là HbcAb – kháng thể kháng kháng nguyên lõi viêm gan B) khi kết quả “dương tính”, điều đó có nghĩa là người đó đã tiếp xúc với viêm gan B. Đây là một xét nghiệm rất phức tạp để lý giải kết quả vì “anti-HBc” có thể là kết quả xét nghiệm “dương tính giả”. Khi xét nghiệm này dương tính việc lý giải kết quả cần phải phối hợp thêm với kết quả của hai xét nghiệm máu khác được mô tả ở trên.
  • Một xét nghiệm khác đôi khi được thực hiện là Anti-HBC IgM (kháng thể IgM kháng kháng nguyên lõi viêm gan B) khi xét nghiệm này là dương tính điều đó có nghĩa là người đó đã bị nhiễm viêm gan B trong khoảng sáu tháng gần đây và cho thấy đây là đợt nhiễm viêm gan B cấp tính (mới bị nhiễm bệnh).

Bệnh viêm gan B mạn tính là gì?

Những người không bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B thì được xem là mạn tính, thường sẽ kéo dài cả đời. Người bị viêm gan B trên 6 tháng thì được xem là mạn tính. Khoảng 2% người lớn được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính,đối với trẻ em dưới 1 tuổi thì nguy cơ này cao hơn nhiều (hơn 90%). Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bệnh chuyển thành mạn tính càng cao. Nhiều trường hợp trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị viêm gan B mạn cũng sẽ bị viêm gan B mạn trừ khi được tiến hành điều trị ngay sau khi sinh.

Một người bị viên gan B mạn có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng dù mang bệnh trong nhiều năm hoặc suốt đời và có khả năng truyền bệnh sang người khác. Một số rất ít trường hợp, người bệnh có thể tự khỏi. Mặc dù hầu hết các đối tượng này không gặp các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra và có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh, tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị vấn đề về gan sau này. Những người bị nhiễm mạn tính có nguy cơ bị suy gan hoặc ung thư gan cao hơn đáng kể so với dân số nói chung.

Có cách nào chữa không?

Hiện tại đã có một số loại thuốc được sử dụng để điều trị cho những người bị viêm gan B mãn tính. Những loại thuốc này thường không loại bỏ được hoàn toàn vi rút, nhưng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh gan nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan.

Những điều nên và không nên làm đối với những người mắc bệnh viêm gan B mãn tính

NÊN LÀM:

  • Băng bó ngay các vết cắt, vết thương hở
  • Vứt bỏ bông băng và băng vệ sinh cẩn thận tránh lây nhiễm cho người khác do vô tình tiếp xúc.
  • Rửa tay thật kỹ sau khi chạm vào máu hoặc chất dịch cơ thể.
  • Vệ sinh ngay các vết máu đổ bằng các chất khử trùng như javen (pha loãng một phần javen với mười phần nước).
  • Thông báo với vợ hoặc chồng để họ thực hiện xét nghiệm và chủng ngừa (nếu chưa bị nhiễm bệnh).
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Yêu cầu các thành viên trong gia đình đến khám tại các cơ sở y tế để được xét nghiệm và chủng ngừa
  • Khai báo với bác sĩ về trình trạng bệnh mỗi khi khám bệnh.
  • Khám định kỳ sau mỗi 6-12 tháng để kiểm tra tình trạng gan bằng xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
  • Nếu đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ khi sinh.

KHÔNG NÊN:

  • Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, kim xăm mình hoặc bất cứ thứ gì có thể tiếp xúc với máu hoặc chất dịch.
  • Nhai thức ăn và mớm cho trẻ sơ sinh
  • Dùng chung ống tiêm và kim tiêm.
  • Hiến máu hoặc hiến tạng khi đang mắc bệnh.
  • Tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào không được bác sĩ kê đơn, kể cả thuốc không bán theo toa.

Viêm gan B có thể phòng ngừa bằng cách nào?

Tiêm Vắc-xin ngừa viêm gan B là cách bảo vệ tốt nhất. Vắc-xin có thể dùng được an toàn cho cả trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn và cả phụ nữ mang thai . Vắc-xin thường được tiêm hai hoặc ba lần tùy theo nhãn hiệu. Văc-xin viêm gan siêu vi B rất an toàn và hiếm khi xảy ra tác dụng phụ. Vắc-xin này là loại vắc-xin đầu tiên ngăn ngừa ung thư. Nó ngăn ngừa ung thư gan do virus viêm gan B gây ra.

  • Ds. Lê Vũ Hồng Hải – Giám Đốc Dược và Xét nghiệm
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông