Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường là dạng bệnh mắt phổ biến nhất do đái tháo đường. Bệnh võng mạc đái tháo đường thường chỉ ảnh hưởng đến những người mắc bệnh đái tháo đường (được chẩn đoán hoặc không được chẩn đoán) sau một số năm đáng kể.

Bệnh võng mạc có thể ảnh hưởng đến tất cả các bệnh nhân đái tháo đường và trở nên đặc biệt nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mù lòa, nếu không được điều trị.

Nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường tăng lên theo tuổi cũng như mức đường huyết và huyết áp không được kiểm soát tốt.

Theo cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (National Health Service), có 1.280 trường hợp mù loà do bệnh võng mạc đái tháo đường được báo cáo hàng năm ở Anh, trong khi có thêm 4.200 người trong nước này có nguy cơ bị mất thị lực do bệnh võng mạc.

Tất cả những người mắc đái tháo đường nên khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra bệnh võng mạc đái tháo đường.

Giải phẫu bình thường của mắt

Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh võng mạc đái tháo đường gây ra bởi tăng đường huyết kéo dài. Sau một thời gian, đường huyết cao làm suy yếu và tổn thương thành mạch máu nhỏ trong võng mạc.

Điều này gây xuất huyết, xuất tiết (rỉ dịch) và thậm chí làm võng mạc sưng phù lên.

Điều này sau đó làm võng mạc thiếu oxy nuôi dưỡng, và những mạch máu bất thường có thể phát triển. Kiểm soát đường huyết tốt có thể giúp làm giảm nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường.

Bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm 3 loại khác nhau:

  • Bệnh võng mạc giai đoạn nền (Background retinopathy)
  • Bệnh hoàng điểm đái tháo đường (Diabetic maculopathy)
  • Bệnh võng mạc tăng sinh (Proliferative retinopathy)

Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dần dần trở nên trầm trọng hơn và tiến triển từ “bệnh võng mạc giai đoạn nền” đến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh võng mạc giai đoạn nền

Bệnh võng mạc giai đoạn nền, còn được gọi là bệnh võng mạc đơn giản, liên quan đến sự sưng phù nhẹ thành mạch máu. Được biết đến dưới dạng các túi máu, chúng xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ trên võng mạc và thường đi kèm với các đốm dịch rỉ màu vàng (protein trong máu).

Bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn nền đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên của bác sĩ nhãn khoa.

Bệnh hoàng điểm đái tháo đường

Hoàng điểm là vùng được sử dụng tốt nhất của võng mạc và cung cấp cho chúng ta tầm nhìn trung tâm. Bệnh hoàng điểm là sự tiến triển của bệnh võng mạc giai đoạn nền vào hoàng điểm.

Điều này có thể gây ra các vấn đề về thị lực như khó đọc và nhìn ở vùng trung tâm thị trường.

Bệnh võng mạc tăng sinh

Bệnh võng mạc tăng sinh là một giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường, trong đó võng mạc bị chắn bởi sự tăng trưởng của các mạch máu bất thường.

Những mạch máu này, sau đó, có thể gây xuất huyết, làm cho võng mạc bị tách ra, và làm tổn hại thị lực. Nếu không được điều trị, điều này có thể gây mù. Bệnh võng mạc tăng sinh được điều trị và theo dõi thường xuyên có thể giúp giới hạn sự tiến triển và ngăn ngừa tổn hại thị lực nặng nề hơn.

Triệu chứng của bệnh võng  mạc đái tháo đường?

Giống như nhiều tình trạng khác của bệnh đái tháo đường, giai đoạn sớm của bệnh võng mạc đái tháo đường có thể xảy ra mà không có triệu chứng. Ảnh hưởng thực sự lên thị lực sẽ không xảy ra cho đến khi bệnh đã tiến triển.

Các triệu chứng chỉ có thể trở nên đáng chú ý khi bệnh đã tiến triển. Một số triệu chứng điển hình của bệnh võng mạc bao gồm:

  • Thay đổi đột ngột thị lực/ nhìn mờ
  • Nhìn thấy các đốm đen và thể nổi
  • Nhìn đôi
  • Đau mắt

Tôi có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường hay không?

Nếu bất kỳ điều nào dưới đây ảnh hưởng đến bạn, bạn nên tầm soát bệnh võng mạc càng sớm càng tốt.

  • Kiểm soát đường huyết kém
  • Protein trong nước tiểu
  • Huyết áp cao
  • Đái tháo đường lâu năm
  • Rối loạn mỡ máu (triglyceride).

Bất cứ ai bị bệnh đái tháo đường đều phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường và các biến chứng khác.

Một người mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ càng cao. Tuy nhiên, kiểm soát tốt mức glucose máu có thể giúp làm chậm đáng kể sự phát triển của bệnh võng mạc.

Có cách nào để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường?

Bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh võng mạc đái tháo đường. Tuy nhiên, khám mắt thường xuyên, kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, can thiệp sớm các vấn đề về thị lực có thể giúp ngăn ngừa sự suy giảm thị lực nghiêm trọng.

Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, hãy giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc đáo tháo đường bằng cách thực hiện:

  • Quản lý tốt bệnh đái tháo đường. Hãy ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất như một thói quen hàng ngày của bạn. Cố gắng ít nhất 150 phút hoạt động vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, mỗi tuần. Dùng thuốc kiểm soát đường huyết hoặc insulin theo hướng dẫn.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên. Bạn có thể cần phải kiểm tra và ghi lại mức đường trong máu của bạn vài lần trong ngày – nếu bạn đang bị bệnh hoặc căng thẳng, có thể cần phải đo thường xuyên hơn. Hỏi bác sĩ cần phải kiểm tra lượng đường huyết của bạn bao nhiêu lần trong ngày.
  • Kiểm tra mức HbA1C. Xét nghiệm hemoglobin A1C (HbA1C) phản ánh mức đường huyết trung bình của bạn trong hai đến ba tháng trước khi làm xét nghiệm. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu A1C là dưới 7 phần trăm.
  • Kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol. Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm cân có thể giúp ích. Đôi khi thuốc cũng cần thiết.
  • Ngưng hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm bệnh võng mạc đái tháo đường.
  • Chú ý đến sự thay đổi thị lực. Liên hệ với bác sĩ nhãn khoa của bạn ngay nếu bạn gặp những thay đổi đột ngột thị lực hoặc thị lực của bạn trở nên mờ, không rõ nét hoặc mơ hồ.

Hãy nhớ rằng, bệnh đái tháo đường không nhất thiết dẫn đến mất thị lực. Quản lý tốt bệnh đái tháo đường đóng một vai trò rất tích cực để ngăn ngừa các biến chứng.

Bệnh võng mạc tiểu đường có thể điều trị được?

Laser quang đông thường được sử dụng trong điều trị bệnh võng mạc do đái tháo đường, nhưng mỗi giai đoạn khác nhau của bệnh có thể được điều trị theo một cách khác.

Bệnh võng mạc giai đoạn nền chưa được điều trị nhưng bệnh nhân sẽ cần khám mắt định kỳ.

Bệnh hoàng điểm thường được điều trị bằng laser (ngăn ngừa sự phát triển mạch máu mới và cải thiện việc cung cấp dưỡng chất và oxy cho võng mạc).

Điều này thường không đau và không có phản ứng phụ, nhưng có thể ảnh hưởng đến việc lái xe ban đêm và tầm nhìn ngoại vi.

Điều trị bằng laser cho bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ không cải thiện thị lực, nhưng nó có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Bệnh võng mạc tăng sinh cũng được điều trị bằng laser, với sự tán xạ trên toàn bộ võng mạc. Điều này phá huỷ vùng bất thường của võng mạc.

Các trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật mắt, thường  là do xuất huyết trong mắt, bệnh võng mạc tăng sinh giai đoạn muộn hoặc điều trị bằng laser không hiệu quả. Loại phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật cắt pha lê thể (vitrectomy).

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường bằng laser

  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông