Bệnh thận đái tháo đường

Tổng quan
Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng liên quan đến thận gây ra bởi bệnh đái tháo đường type 1 và bệnh đái tháo đường type 2. Theo thống kê, có đến 40 phần trăm người mắc bệnh đái tháo đường tiến triển đến bệnh thận.
Bệnh thận đái tháo đường ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể. Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc làm chận tiến triển đến bệnh thận đái tháo đường là duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp.
Qua nhiều năm, bệnh đái tháo đường làm tổn thương từ từ hệ thống lọc của thận. Điều trị sớm có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.
Bệnh thận của bạn có thể tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối, là một tình trạng đe dọa mạng sống. Ở giai đoạn này, lựa chọn điều trị của bạn là lọc thận hoặc ghép thận.
Nguyên nhân
Các số liệu thống kê cho thấy sự phát triển bệnh thận ở người đái tháo đường liên quan đến lượng đường trong máu cao qua một khoảng thời gian (hàng năm) nhưng các nghiên cứu vẫn chưa tiết lộ được cơ chế thực sự gây ra tổn thương thận bởi đường huyết cao như thế nào.
Bệnh thận đái tháo đường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi huyết áp cao. Ở những bệnh nhân đái tháo đường có kèm huyết áp cao, sự tiến triển qua các giai đoạn của bệnh thận đái tháo đường có thể xảy ra nhanh hơn.
Triệu chứng
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận đái tháo đường, bạn không thể nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trong giai đoạn sau, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Huyết áp khó kiểm soát hơn
- Protein (đạm) trong nước tiểu
- Phù bàn chân, mắt cá chân, tay hoặc mặt.
- Tiểu nhiều
- Giảm nhu cầu insulin hoặc thuốc tiểu đường
- Lẫn lộn hoặc khó tập trung
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
- Ngứa dai dẳng
- Mệt mỏi
Để phát hiện sớm bệnh thận đái tháo đường trước khi tiến triển tới giai đoạn sau, người bệnh đái tháo đường thường được tầm soát biến chứng thận ít nhất một lần mỗi năm. Xét nghiệm tầm soát thường bao gồm một mẫu nước tiểu được kiểm tra nhằm phát hiện sự hiện diện của protein trong nước tiểu.
Biến chứng
Các biến chứng của bệnh thận do đái tháo đường phát triển dần qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Chúng có thể bao gồm:
- Ứ dịch lại trong cơ thể, dẫn đến phù tay, chân, huyết áp cao, hoặc phù phổi.
- Tăng kali máu đột ngột.
- Bệnh tim mạch, có thể dẫn đến đột quỵ.
- Tổn thương các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc đái tháo đường).
- Thiếu máu.
- Loét chân, rối loạn cương dương, tiêu chảy và các vấn đề khác do tổn thương dây thần kinh và mạch máu.
- Biến chứng khi mang thai gây nguy hiểm cho người mẹ và bào thai đang phát triển.
- Tổn thương thận không hồi phục được (bệnh thận giai đoạn cuối), cuối cùng đòi hỏi phải lọc thận hoặc ghép thận.
Phòng ngừa
Sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa bằng cách:
- Kiểm soát tốt đường huyết.
- Kiểm soát tốt huyết áp hoặc những tình trạng bệnh lý khác.
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý.
- Không hút thuốc. Hút thuốc lá có thể làm hư hại thận của bạn và làm cho tổn thương thận hiện tại tồi tệ hơn. Nếu bạn là người hút thuốc lá, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp giúp bạn bỏ thuốc lá dễ dàng hơn.
- Sử dụng thuốc không kê toa theo đúng hướng dẫn. Đối với người bị bệnh thận đái tháo đường, sử dụng thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen, meloxicam,… có thể làm nặng hơn tổn thương ở thận. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn có ý định sử dụng những loại thuốc này.
Điều trị
Bệnh thận đái tháo đường được điều trị theo những cách khác nhau phụ thuộc vào:
- Tuổi, sức khoẻ tổng quát và tiền sử bệnh của bạn.
- Mức độ nặng của bệnh.
- Sự dung nạp đối với các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể.
- Ý kiến cá nhân và mong muốn của bạn.
Điều trị bệnh thận đái tháo đường sẽ dễ dàng hơn nếu bắt đầu trong giai đoạn sớm, tức là khi lượng protein xuất hiện trong nước tiểu mới chỉ mới ở mức độ nhỏ (tiểu đạm vi thể).
Bước đầu tiên trong điều trị bệnh thận đái tháo đường là kiểm tốt tình trạng đái tháo đường và tình trạng cao huyết áp nếu cần. Trong một số trường hợp, để giúp hạ huyết áp, bác sĩ của bạn có thể kê toa thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme – ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (angiotensin receptor blockers – ARBs), được chứng minh là bảo vệ chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương tiến triển.
Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối (end stage renal disease – ESRD)
Nếu bệnh của bạn đã tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối, bác sĩ của bạn sẽ tập trung vào liệu pháp thay thế chức năng thận hoặc điều trị triệu chứng giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Các lựa chọn bao gồm:
- Lọc thận. Đây là phương pháp giúp loại bỏ chất thải và lượng dịch thừa trong máu. Hai phương pháp lọc thận chính là lọc máu và thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Phương pháp đầu phổ biến hơn, yêu cầu bạn phải kết nối với máy thận nhân tạo ở một trung tâm lọc thận khoảng 3 lần một tuần. Mỗi lần mất khoảng 3 – 5 tiếng. Phương pháp thứ hai có thể thực hiện tại nhà.
- Ghép thận. Trong một số trường hợp, lựa chọn tốt nhất là ghép thận hoặc ghép cả thận và tụy.
- Điều trị triệu chứng. Nếu từ chối lọc thận hoặc ghép thận, bạn có thể nhận được một điều trị hỗ trợ giúp bạn giảm triệu chứng và cảm thấy thoải mái hơn.
Chuẩn bị trước khi đến khám bệnh
Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị trước khi đến khám.
- Liệt kê các triệu chứng của bạn. Bất kỳ triệu chứng nào, kể cả những triệu chứng có vẻ như không liên quan đến thận hoặc tiết niệu.
- Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc sản phẩm bổ sung mà bạn uống kèm theo liều lượng cụ thể.
- Liệt kê tiền sử bệnh trọng yếu, bao gồm tiền sử gia đình bị đái tháo đường hoặc bệnh thận.
- Yêu cầu người thân hoặc bạn bè đến cùng bạn. Người đó có thể giúp bạn giúp bạn nhớ lại điều mà bạn bỏ sót.
- Liệt kê các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.
Đối với bệnh thận do đái tháo đường, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bác sĩ bao gồm:
- Mức độ tổn thương thận của tôi như thế nào?
- Chức năng thận của tôi có đang tệ hơn?
- Tôi có cần làm thêm cận lâm sàng nào nữa không?
- Điều gì gây ra tình trạng này của tôi?
- Bệnh thận của tôi có phục hồi được không?
- Lựa chọn điều trị của tôi là gì?
- Tác dụng phụ có thể có của mỗi phương pháp điều trị là gì?
- Tôi có cần phải tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt nào không?
- Tôi cần phải lên kế hoạch thăm khám và theo dõi thường xuyên như thế nào?
- …
Đừng ngần ngại hỏi bất kỳ câu hỏi nào khác trong cuộc khám bệnh của bạn nếu bạn còn thắc mắc.
- Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
- Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
- Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
- Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông