Các xét nghiệm máu thông thường và ý nghĩa của chúng.

Tổng quan

Xét nghiệm máu được sử dụng rất rộng rãi và là một trong những loại xét nghiệm y khoa phổ biến nhất.

Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để:

  • Đánh giá tình trạng sức khoẻ chung của bạn.
  • Kiểm tra xem bạn có bị nhiễm trùng.
  • Xem xét các cơ quan nào đó, chẳng hạn như gan và thận, có đang hoạt động tốt.
  • Tầm soát một số tình trạng di truyền.

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm máu.

Bác sĩ hoặc nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm máu sẽ cho bạn biết liệu có những hướng dẫn cụ thể nào bạn cần làm trước khi xét nghiệm hay không, vì nó có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm khiến bạn bị trì hoãn hoặc phải thực hiện lại.

Ví dụ, tùy thuộc vào loại xét nghiệm máu, bạn có thể được yêu cầu:

  • Tránh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, ngoại trừ nước lọc trong 8 – 12 giờ.
  • Ngưng uống một loại thuốc nhất định.

Lấy máu xét nghiệm như thế nào?

Thường mẫu máu sẽ được lấy ở phần khủy tay hoặc cổ tay, nơi các mạch máu gần với mặt da. Mẫu máu ở trẻ em thường được lấy ở mu bàn tay.

Một vòng băng quấn (garô) được đặt phía trên cánh tay, tạm thời làm chậm dòng chảy của máu khiến tĩnh mạch phồng lên, giúp cho việc lấy máu dễ dàng hơn.

Trước khi lấy máu, nhân viên y tế sẽ sát khuẩn vùng da bằng dung dịch sát khuẩn. Một mũi kim nối với xylanh hoặc dụng cụ đặc biệt sẽ được luồn vào trong lòng tĩnh mạch. Nó thường không gây đau đớn, tuy nhiên, bạn có thể sẽ thấy một cảm giác châm chích nhẹ. Nếu bạn sợ kim hoặc máu, hãy nói với nhân viên y tế, họ sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Khi mẫu máu đã được lấy, mũi kim sẽ được rút ra. Một nút bông và băng dán sẽ được chặn lên vết thương trong vài phút để ngăn chảy máu và giữ cho vết thương được sạch.

Sau khi lấy máu.

Chỉ một lượng máu nhỏ được lấy trong quá trình xét nghiệm nên bạn sẽ không cảm thấy bất cứ một ảnh hưởng nào đáng kể.

Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy một chút hoa mắt và chóng mặt trong và sau khi lấy máu. Nếu điều này đã xảy ra với bạn trước đó, hãy thông báo với nhân viên y tế, họ sẽ chú ý và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Sau khi lấy máu, bạn có thể bị một vết bầm tím nhỏ tại vị trí lấy máu, tuy nhiên nó thường vô hại và biến mất sau vài ngày.

Công thức máu

Công thức máu (complete blood count, viết tắt CBC) là xét nghiệm dễ dàng và rất phổ biến. Công thức máu xác định có tăng hoặc giảm số lượng tế bào máu hay không. Giá trị bình thường phụ thuộc vào tuổi và giới tính của bạn.

Công thức máu có thể hỗ trợ chẩn đoán một loạt các tình trạng từ thiếu máu, nhiễm trùng đến ung thư,….

Máu được tạo thành từ những thành phần nào?

Máu gồm huyết tương (chiếm khoảng 55%) và các tế bào máu (chiếm khoảng 45%). Các tế bào máu chính bao gồm: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Huyết tương:

Huyết tương chứa khoảng 90% nước, 10% còn lại là các ion, protein, chất dinh dưỡng, chất thải, và khí hoà tan. Các ion, protein và các phân tử khác có trong huyết tương rất quan trọng để duy trì độ pH và cân bằng áp suất thẩm thấu, trong đó albumin (protein chủ yếu trong huyết tương người) đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Một số phân tử trong huyết tương có các chức năng chuyên biệt hơn. Ví dụ, hoóc môn hoạt động như tín hiệu từ xa, kháng thể nhận biết và vô hiệu hoá mầm bệnh, và các yếu tố đông máu thúc đẩy hình thành cục máu đông nơi vết thương. (Huyết tương sau khi lọc đi các yếu tố đông máu được gọi là huyết thanh). Lipid, ví dụ như cholesterol, cũng được vận chuyển trong huyết tương, nhưng phải đi kèm với các protein chuyên chở vì chúng không hòa tan trong nước.

Các tế bào máu:

Tế bào hồng cầu (red blood cell hay RBC)

Các tế bào hồng cầu có chứa hemoglobin, một protein khiếm cho máu có màu đỏ và cho phép nó vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các mô cơ thể. Oxy được sử dụng bởi các tế bào để sản xuất năng lượng mà cơ thể cần, để lại CO2 như một chất thải. Các tế bào hồng cầu mang CO2 trở lại phổi. Khi số hồng cầu quá thấp (thiếu máu), máu mang ít oxy hơn, khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Khi số lượng tế bào hồng cầu quá cao (đa hồng cầu), máu có thể trở nên quá đặc, có thể làm máu dễ đông hơn và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Tế bào tiểu cầu (platelet hay PLT)

Tiểu cầu là những mảnh nhỏ giống như tế bào, nhỏ hơn hồng cầu và bạch cầu. Tiểu cầu ít hơn tế bào hồng cầu, với tỷ lệ khoảng 1 tiểu cầu cho mỗi 20 hồng cầu. Tiểu cầu hỗ trợ quá trình đông máu bằng cách tụ lại với nhau và tạo thành một nút chặn tại nơi chảy máu. Cùng lúc đó, chúng phóng thích ra các chất thúc đẩy tiếp quá trình đông máu. Khi số tiểu cầu quá thấp (giảm tiểu cầu), vết bầm tím và xuất huyết bất thường dễ xảy ra hơn. Khi số lượng tiểu huyết cầu quá cao (tăng tiểu cầu), máu có thể tăng đông quá mức, gây đột quỵ hoặc nhổi máu cơ tim.

Tế bào bạch cầu (white blood cells hay WBC):  

Một số bạch cầu di chuyển theo dòng máu, nhưng nhiều trong số chúng bám vào các thành mạch máu hoặc thậm chí xuyên qua thành mạch để đi vào các mô khác. Khi các tế bào bạch cầu đến được chỗ nhiễm trùng hoặc các tổn thương khác, chúng sẽ giải phóng các chất thu hút nhiều bạch cầu hơn. Các bạch cầu hoạt động giống như một đội quân, phân tán khắp cơ thể nhưng sẵn sàng tập hợp lại ngay khi được thông báo và chống lại vật ngoại lai. Các tế bào bạch cầu thực hiện việc này bằng cách nuốt chửng và tiêu hóa các vi sinh vật, và bằng cách tạo ra các kháng thể gắn với các vi sinh vật khiến chúng dễ dàng bị phá hủy hơn.

Khi số lượng tế bào bạch cầu quá thấp (giảm bạch cầu), nhiễm trùng sẽ dễ xảy ra hơn. Số lượng tế bào bạch cầu cao hơn bình thường (tăng bạch cầu) có thể không trực tiếp gây ra triệu chứng, nhưng số lượng tế bào bạch cầu cao có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh bạch cầu.

Xét nghiệm đường huyết

Một số loại xét nghiệm có thể dùng để chẩn đoán và theo dõi đái tháo đường bằng cách kiểm tra lượng đường (glucose) trong máu.

Ví dụ:

  • Glucose đói – đo lượng glucose trong máu sau khi bạn nhịn đói (không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trừ nước lọc) trong ít nhất 8 tiếng.
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose – đo lượng đường trong máu sau khi bạn nhịn đói và một lần nữa 2 giờ sau khi bạn được uống một lượng glucose nhất định.
  • HbA1C – một xét nghiệm dùng kiểm tra lượng đường trung bình của bạn trong 3 tháng trước đó.

Xét nghiệm cholesterol máu

  • Cholesterol là chất béo hầu hết được tạo ra bởi gan từ thực phẩm giàu chất béo và rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể.
  • Mức cholesterol cao có thể góp phần làm tăng nguy cơ các vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bạn có thể được yêu cầu không ăn 12 giờ trước khi kiểm tra để đảm bảo rằng tất cả thức ăn được tiêu hoá hoàn toàn và sẽ không ảnh hưởng đến kết quả, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng cần thiết.

Xét nghiệm chức năng gan

  • Khi gan bị tổn thương, nó sẽ giải phóng các chất gọi là enzyme vào máu và lượng protein sản xuất ra từ gan bắt đầu giảm.
  • Bằng cách đo nồng độ các enzyme và protein này, có thể xây dựng một bức tranh về mức độ hoạt động của gan.

Điều này có thể giúp chẩn đoán một số bệnh về gan, như viêm gan, xơ gan và bệnh gan do rượu.

Xét nghiệm creatinine máu

Xét nghiệm creatinine cho biết thông tin quan trọng về thận của bạn.

Creatinine là một chất thải được sản xuất bởi quá trình trao đổi chất của cơ và một số ít từ lượng thịt ăn vào. Thận khỏe mạnh lọc creatinine và các chất thải khác từ máu ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu.

Nếu thận của bạn không hoạt động bình thường, mức creatinine trong máu của bạn có thể tăng lên. Xét nghiệm creatinine huyết thanh đo nồng độ creatinine trong máu và từ đó có thể ước tính mức độ lọc của thận (độ lọc cầu thận).

Xét nghiệm ung thư

Một số xét nghiệm máu có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán hoặc theo dõi một số loại ung thư hoặc kiểm tra xem bạn có nguy cơ phát triển một số loại ung thư nào đó hay không.

Ví dụ:

  • PSA – Hỗ trợ chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến. Nó cũng tăng trong những tình trạng khác như phì đại tiền liệt tuyến hay viêm tiền liệt tuyến.
  • CA125 – Dùng theo dõi trong và sau quá trình điều trị một số loại ung thư. Trong một số trường hợp, CA 125 có thể dùng tầm soát dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng ở phụ nữ có nguy cơ cao. Nhiều tình trạng khác cũng có thể gây tăng CA 125 như kinh nguyệt và u xơ tử cung.
  • AFP – Ở người đàn ông hoặc phụ nữ không mang thai, AFP tăng trong máu có thể là dấu chỉ của một số loại ung thư. Nó dùng để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi một số loại ung thư như ung thư gan, tinh hoàn và buồng trứng.
  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Ds. Lê Vũ Hồng Hải – Phòng Dược & Xét Nghiệm
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Từ Tôn Quý – Ban Sự kiện Truyền Thông
  • Trần Thị Bích Lê – Ban Sự kiện Truyền Thông