Hướng dẫn theo dõi đường huyết tại nhà

Những ai cần theo dõi đường huyết tại nhà?

                  • Theo dõi đường huyết tại nhà có ích lợi nhất nếu bạn đang được điều trị
                    với insulin và có khả năng tự điều chỉnh liều insulin dựa trên kết quả theo
                    dõi đường huyết.
                  • Theo dõi đường huyết tại nhà cũng có thể có ích nếu bạn đang sử dụng
                    thuốc hạ đường huyết uống nhưng đường huyết chưa được kiểm soát tốt,
                    đặc biệt là trước khi chuẩn bị điều trị với insulin.

Theo dõi đường huyết tại nhà có ích lợi gì?

                  • Giúp cho bác sĩ dễ dàng điều chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp nhất đối với bạn.
                  • Giúp bạn hiểu được ảnh hưởng của chế độ ăn, luyện tập và thuốc lên mức
                    đường huyết như thế nào, và chủ động điều chỉnh mức đường huyết của mình.
                  • Giúp bạn phát hiện cơn hạ đường huyết (đường huyết thấp) hoặc đường huyết
                    rất cao.

Thử đường huyết tại nhà khi nào?

Thời gian và số lần thử đường huyết tại nhà phụ thuộc vào loại đái tháo đường
(típ 1, típ 2, thai kỳ), chế độ điều trị (insulin, thuốc uống, chế độ ăn và luyện tập),
mục tiêu đường huyết, và nguy cơ hạ đường huyết. Tuy nhiên, theo dõi đường
huyết tại nhà chỉ có hiệu quả khi bạn có kế hoạch hành động dựa trên kết quả
theo dõi, vậy nên điều quan trọng là hãy trao đổi với bác sĩ để biết bạn nên theo
dõi đường huyết của mình như thế nào và kế hoạch hành động ra sao.

Dưới đây là các thời điểm thử đường huyết cần thiết ở mỗi đối tượng bệnh nhân
Đái tháo đường, số lần thử thực tế có thể linh động tùy vào khả năng của bệnh
nhân và hướng dẫn của bác sĩ:

Đối với người đang dùng chế độ insulin nhiều lần trong ngày

                    • Trước mỗi bữa ăn chính, bữa phụ và trước khi đi ngủ
                    • Trước khi tập thể dục và lái xe ( hoặc các hoạt động nặng, cần tập trung)
                    • Thỉnh thoảng 1 -2 giờ sau bữa ăn chính
                    • Khi nghi ngờ hạ đường huyết và theo dõi cho đến khi đường huyết trở
                      về bình thường

Đối với người đang sử dụng insulin nền

                    • Khi đói (buổi sáng sau khi thức dậy)
                    • Trước khi đi ngủ

Đối với người đang sử dụng insulin trộn 1 hoặc 2 lần trong ngày

                    • Khi đói
                    • Trước các bữa ăn chính
                    • Thỉnh thoảng 1 – 2 giờ sau bữa ăn chính, trước khi đi ngủ, giữa đêm
                      (nếu bệnh nhân có các triệu chứng hạ đường huyết về đêm hoặc có
                      tăng đường huyết sáng đói. Việc thử đường huyết giữa đêm hoặc gần
                      sáng sẽ giúp định hướng nguyên nhân và điều chỉnh liều insulin cho
                      phù hợp)

Người đang sử dụng thuốc uống có nguy cơ hạ đường huyết, không dùng
insulin

                    • Khi đói
                    • Định kỳ vào các khoảng thời gian khác: trước các bữa ăn chính,
                      sau ăn, giữa đêm

Người đang sử dụng thuốc uống có đường huyết chưa đạt mục tiêu hoặc
đang chỉnh liều thuốc

                    • Khi đói hoặc sau ăn (tùy theo chỉ số đường huyết và HbA1c ở mỗi
                      kỳ xét nghiệm), tuần suất 2 – 3 lần/ tuần

Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ, không sử dụng insulin

                    • Khi đói
                    • 1 giờ và 2 giờ sau ăn

Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ, sử dụng insulin

                    • Khi đói
                    • Trước các bữa ăn chính
                    • 1 giờ và 2 giờ sau ăn

Các bước thử đường huyết tại nhà

Sau đây là hướng dẫn chung các bước thực hiện thử đường huyết tại nhà.
Tuy nhiên các bước có thể khác nhau đôi chút giữa các dòng máy, do đó tốt
nhất là bạn nên đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng máy.

Bs Đặng Trịnh Cao Triệu, Khoa Nội Phòng khám đa khoa Hợp Nhân