Để bệnh nhân đái tháo đường có một chế độ ăn uống lành mạnh

Khi bạn đã bị mắc bệnh Đái tháo đường, thì việc quyết định nên ăn gì, ăn khi nào và ăn bao nhiêu có lẽ là một thách thức. Vậy bạn có thể sử dụng thực phẩm gì và làm cách nào để kết hợp những thực phẩm yêu thích vào bữa ăn? Biết cách lựa chọn và sử dụng những thực phẩm tốt cho sức khỏe là điều quan trọng trong việc kiểm soát bệnh Đái tháo đường.
Đầu tiên ngay sau khi phát hiện bị Đái tháo đường, bạn cần nên gặp bác sĩ hoặc Chuyên gia dinh dưỡng để thảo luận về cách xây dựng một chế độ ăn phù hợp và theo dõi chế độ ăn. Qua đó, bạn cũng có thể học được cách lựa chọn thực phẩm sạch và đa dạng như rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa tách béo hoặc ít béo, thịt nạc và các loại chất đạm khác. Bạn cũng sẽ được học được cách ước lượng kích thước một khẩu phần ăn cho riêng mình và những thức uống bạn có thể sử dụng để duy trì mức năng lượng, chất béo và chất bột đường trong giới hạn cho phép.
Bạn có thể vẫn được thưởng thức những món ăn ngon và cảm thấy thoải mái trong quá trình thực hiện một chế độ ăn khoa học. Nhưng việc đó được tiến hành như thế nào? Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn trong việc ăn uống, bất kể là ở nhà hay ở ngoài.
1. Cách tính khẩu phần ăn cân đối
Cách đơn giản nhất để biết được kích thước khẩu phần là sử dụng “Phương pháp đĩa thức ăn”.
- Làm đầy phần lớn nhất (1/2 dĩa) bằng các loại rau không chứa tinh bột như rau xà lách, đậu xanh, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và cà rốt.
- Một phần nhỏ hơn (1/4 dĩa) chứa ngũ cốc hoặc tinh bột như bánh mì, bún, gạo, bắp hoặc khoai tây.
- Một phần nhỏ hơn khác (1/4 dĩa) chứa chất đạm như cá, gà, thịt bò nạc, đậu nành hoặc các loại đậu nấu chín.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã mô tả hình ảnh đĩa thức ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng. Công cụ này cho phép bạn lựa chọn những thực phẩm đa dạng khác nhau và dễ hình dung được kích thước một khẩu phần bạn nên thực hiện trong chế độ ăn của mình.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã mô tả hình ảnh đĩa thức ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng.
2. Một số gợi ý khi ăn bên ngoài
Người Mỹ trưởng thành trung bình ăn bên ngoài ít nhất 3 lần/tuần. Kích thước một khẩu phần tại các quán ăn và cách chuẩn bị thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết. Làm cách nào bạn có thể ăn uống và kiểm soát bệnh Đái tháo đường của mình cũng như theo dõi chế độ ăn? Sau đây là một vài gợi ý:
- Nói chuyện với người phục vụ trước khi gọi món. Đừng ngại khi đặt những câu hỏi về món ăn và nếu không rõ, hãy hỏi cách họ chuẩn bị món ăn để có lựa chọn phù hợp.
- Chọn các món thịt hoặc cá được nướng hoặc luộc thay vì chiên.
- Nếu bạn thấy khẩu phần ăn quá nhiều, nên nhờ người phục vụ gói hộp mang về một nửa và chỉ ăn một nửa còn lại.
- Lựa chọn những món ít chất béo hoặc ít năng lượng có trong thực đơn.
- Nên nhớ rằng nước uống có đường có thể chứa lượng lớn năng lượng , chọn lựa các loại thức uống ít năng lượng hơn như nước lọc, các loại sữa ít béo, trà không đường, cà phê đen hoặc thức uống giảm cân.
- Nếu có sử dụng rượu bia, phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị/ngày. Đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị/ngày (1 đơn vị tương đương 1 lon bia 350ml, 150ml rượu vang hoặc 44 ml rượu mạnh). Tránh đồ uống pha chế có năng lượng cao.
- Bỏ bớt món tráng miệng hoặc chia với những người khác để giảm lượng thức ăn mà bạn tiêu thụ. Có thể chọn trái cây để sử dụng làm món tráng miệng.

Khẩu phần tại các quán ăn sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết.
3. Lựa chọn thực phẩm
Khi đi chợ, bạn sẽ bị bao quanh bởi rất nhiều thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo, đường và muối cao. Để tránh mua nhiều loại thực phẩm không cần thiết, bạn nên lập danh sách kiểm tra các loại thực phẩm trong kế hoạch ăn uống trước khi mua sắm để giúp bạn tập trung vào các loại thực phẩm lành mạnh và cần thiết. Dưới đây là một vài điều cần lưu ý:
- Giỏ hàng của bạn sẽ trông giống như “Phương pháp đĩa thứ ăn” nói trên
- Một nửa số thực phẩm nên là các loại rau không có tinh bột như xà lách, măng tây, bông cải xanh, súp lơ, dưa leo, nấm, hành tây và ớt.
- Phần còn lại của giỏ hàng nên có chất đạm: thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, sữa, đậu và các loại rau củ có tinh bột như bắp, đậu Hà Lan, khoai tây, bí ngô và khoai mỡ.
- Thỉnh thoảng bạn có thể tự nghiên cứu thêm về dinh dưỡng trong điều trị Đái tháo đường ( nếu không rõ điều gì có thể nhờ Chuyên gia dinh dưỡng giúp đỡ). Thay vì ăn các loại thực phẩm có nhiều năng lượng, chất béo và đường, nên có một lựa chọn lành mạnh hơn như các loại trái cây ít ngọt: ổi, mận, bưởi…
- Dừng lại tại các gian hàng trái cây, rau, thịt, cá và sữa để tham khảo nhiều loại thực phẩm tươi sống và tốt cho sức khỏe.
4. Cách đọc nhãn thực phẩm đóng gói
Có một cách để đảm bảo bạn mua thực phẩm đóng gói có năng lượng, đường và chất béo thấp hơn đó chính là xem nhãn thực phẩm. Một số thông tin bạn sẽ tìm thấy là:
|
![]() |
- Tổng lượng carbohydrate trên nhãn bao gồm tất cả các loại: đường, tinh bột và chất xơ.
- Lựa chọn thức ăn có năng lượng, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và natri thấp. Những con số này được liệt kê phía trên nhãn thực phẩm.
- Cố gắng chọn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hơn, được liệt kê ở phần dưới của nhãn thực phẩm.
5. Nhận sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Hãy nhớ rằng, việc ăn uống lành mạnh không chỉ dành cho những người mắc bệnh Đái tháo đường. Ăn uống khoa học đều mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi người trong gia đình và có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.
- Nói chuyện với bạn bè và gia đình về bệnh đái tháo đường. Cảm ơn họ vì đã quan tâm đến bạn.
- Nhờ gia đình hỗ trợ bạn để kiểm soát bệnh bằng cách bổ sung thêm thực phẩm lành mạnh vào thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày và trong những dịp đặc biệt.
- Hướng dẫn cho họ những gì bạn đã học về thực phẩm tốt cho sức khỏe và nó ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nói với họ rằng bạn phải ăn gì, ăn lúc nào và ăn bao nhiêu.
- Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
- Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
- Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
- Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông