Bốn hiểu lầm về cholesterol
Khi nhắc đến cholesterol, mọi người thường nghĩ đến mỡ, chất béo; nguyên nhân gây ra mảng bám có trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, sự thật là cholesterol cũng là một chất tự nhiên trong cơ thể và nó cần thiết cho sức khỏe. Chỉ khi hàm lượng trong máu dư thừa hơn mức cần thiết, cholesterol mới gây tác động xấu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Dưới đây là 4 quan niệm sai lầm phổ biến về cholesterol và phương pháp điều trị chúng

1. Quan niệm sai lầm 1: Tất cả cholesterol đều giống nhau.
Cholesterol có thể được chia thành 2 loại chính: cholesterol từ thức ăn – được tìm thấy trong thực phẩm chúng ta ăn và cholesterol huyết thanh – là một chất tự nhiên được tạo ra trong cơ thể. Trong cơ thể con người, có 2 loại cholesterol chính là lipoprotein mật độ thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). LDL ( thường được gọi là “cholesterol xấu”) chiếm phần lớn cholesterol trong cơ thể và khi nồng độ tăng cao, nó có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.
Mặt khác, HDL (thường gọi là “cholesterol tốt”) vận chuyển cholesterol về gan để đào thải khỏi cơ thể. Nồng độ HDL trong máu cao đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngưỡng cholesterol lý tưởng cho hầu hết người lớn là Cholesterol tổng dưới 200 mg/dL, LDL dưới 100 mg/dL và HDL trên 60 mg/dL.
2. Quan niệm sai lầm 2: Ăn các thực phẩm giàu cholesterol sẽ làm tăng đáng kể nồng độ cholesterol trong cơ thể.
Trong nhiều năm, các nhà dinh dưỡng cảnh báo rằng ăn một chế độ ăn nhiều cholesterol sẽ làm tăng mức cholesterol trong cơ thể từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến tranh cãi, các bằng chứng cho thấy rằng điều này có thể không chính xác. Thay vào đó, các nghiên cứu cho thấy rằng các đặc điểm di truyền của con người, chứ không phải là chế độ ăn uống, có xu hướng là động lực làm tăng mức cholesterol trong cơ thể. Khoảng 85% cholesterol trong cơ thể được sản xuất ở gan, chứ không phải từ cholesterol chúng ta ăn vào. Ngoài ra, người ta cho rằng khi lượng cholesterol trong chế độ ăn tăng, cơ thể và gan sẽ bù trừ bằng cách sản xuất ít cholesterol hơn.
Trong hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa kỳ giai đoạn 2015-2020 (2015-2020 US Dietary Guidelines), khuyến cáo trước đây về việc giới hạn cholesterol chế độ ăn uống dưới 300 mg mỗi ngày đã được loại bỏ. Đối với hầu hết mọi người, một chế độ ăn uống lành mạnh chắc chắn có thể có các loại thực phẩm chứa cholesterol, chẳng hạn như thịt và trứng. Tất nhiên, ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao có thể vẫn không được khuyến khích, vì chúng có nhiều calori.
Về chất béo bão hòa, một số nghiên cứu được công bố trong vài năm qua đã kết luận rằng không có mối liên quan giữa lượng chất béo bão hòa và bệnh tim mạch. Mặc dù vậy, Hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người tiêu thụ ít hơn 10% calo mỗi ngày từ chất béo bão hòa.
Một khía cạnh hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận là nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo trans do chúng làm tăng nồng độ LDL trong máu. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa việc tăng lượng chất béo trans và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Quan niệm sai lầm 3: Những người gầy không phải lo lắng về việc tăng cholesterol máu
Đúng là người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng bị cholesterol máu cao và phối hợp giữa tập thể dục và chế độ ăn uống có thể làm giảm mức cholesterol cao. Tuy nhiên, người gầy vẫn có thể bị tăng cholesterol. Nguyên nhân là vì nồng độ cholesterol cao hay thấp chủ yếu là kết quả của đặc điểm di truyền, trọng lượng của một người có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp. Những người có lối sống rất ít vận động cũng có thể có nguy cơ cao hơn. Cuối cùng, có một số bệnh rối loạn di truyền (ví dụ: tăng cholesterol máu gia đình) có thể khiến một người có mức cholesterol cao, bất kể trọng lượng của họ. Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng người càng cao tuổi thì lượng cholesterol sẽ có xu hướng ngày càng tăng.
4. Quan niệm sai lầm 4: Mọi người uống statin để điều trị cholesterol cao đều bị đau cơ.
Một số người không muốn dùng statin để điều trị cholesterol cao vì sợ bị đau cơ hoặc chuột rút do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, đây là lý do thường gặp ở những bệnh nhân ngừng dùng statin dù đã được kê đơn thuốc này.
Đúng là một số người dùng statin có thể bị đau cơ nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có từ 10% đến 15% người dùng statin bị đau cơ hay chuột rút, nhưng may mắn là có nhiều cách để giảm thiểu những tác dụng này. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân tạm ngưng dùng thuốc để xác định nguyên nhân hoặc có thể thay đổi liều lượng, khoảng thời gian uống thuốc. Cuối cùng, có một số bằng chứng cho thấy những người tập thể dục thường xuyên trước khi dùng statin ít có khả năng bị đau cơ và chuột rút.
- DS. Lê Vũ Hồng Hải – Giám Đốc Dược & Xét nghiệm
- Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
- Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông