Chất làm ngọt nhân tạo có thể làm hư tổn mạch máu

Chúng ta biết rằng đường, tiêu thụ với số lượng lớn, làm tăng nguy cơ một loạt các vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chất làm ngọt nhhân tạo có thể có hậu quả tương tự, nhưng thông qua các con đường sinh hóa hoàn toàn khác nhau.

Trong những năm gần đây, lượng đường dư thừa có mối liên hệ chắc chắn đến bệnh béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mạch – tất cả đều liên quan chặt chẽ đến tình trạng tiêu thụ đường quá mức.

Vì danh tiếng của đường ngày càng xấu đi, chất làm ngọt nhân tạo được tạo cơ hội trở nên nổi tiếng.

Ngày nay, hàng chục ngàn sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo, khiến cho chúng trở thành một trong những phụ gia thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Với lượng calo bằng không, chúng làm cho đồ uống của người ăn kiêng và đồ ăn nhanh ít calo đủ ngọt để làm hài lòng ngay cả những người tiêu dùng đường nhiều nhất.

Nhưng, như người ta thường nói, “không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng.” Ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố bác bỏ “hình ảnh hoàn hảo” của chất làm ngọt nhân tạo. Bằng chứng hiện nay cho thấy rằng tiêu thụ một lượng lớn các hóa chất này cũng có thể dẫn đến bệnh béo phì và rối loạn chuyển hóa.

Những phát hiện của nghiên cứu gần đây nhất về chất làm ngọt nhân tạo đã được trình bày tại hội nghị Sinh học Thực nghiệm 2018, được tổ chức tại San Diego, CA, ngày 22 tháng 04 2018.

Nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Brian Hoffmann, trợ lý giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Marquette và Đại học Y Wisconsin ở Milwaukee.

Một cái nhìn mới về chất làm ngọt

Hoffmann nói rằng, “Mặc dù bổ sung các chất làm ngọt nhân tạo không calo này vào chế độ ăn hàng ngày của chúng ta, vẫn còn có sự gia tăng mạnh về bệnh béo phì và đái tháo đường,” giải thích lý do khiến ông ấy quan tâm đến chủ đề này.

Chất làm ngọt nhân tạo

Nghiên cứu này là một khám phá sâu sắc nhất – cho đến nay – những thay đổi sinh hóa do chất làm ngọt nhân tạo ra trong cơ thể. Để đạt được mức chi tiết này, họ đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là unbiased high-throughput metabolomics.

Metabolomics chỉ các nghiên cứu những sản phẩm chuyển hóa trong tế bào, mô và động vật.

Họ muốn hiểu cách thức đường và chất tạo ngọt tác động đến lớp lót bên trong mạch máu – nội mô mạch máu – ở tế bào nuôi cấy và ở chuột.

Họ tập trung vào hai loại đường (glucose và fructose) và các chất làm ngọt không calo như aspartame và acesulfame kali. Để so sánh các hợp chất tạo ngọt tương tự nhưng tương phản với nhau về lượng calo, họ cho chuột ăn và đánh giá chúng sau 3 tuần.

Điều thú vị là, các thí nghiệm cho thấy đường và chất làm ngọt nhân tạo đều làm suy yếu hoạt động của các mạch máu. Nhưng, những suy yếu này gây ra theo nhiều cách khác nhau:

“Trong các nghiên cứu của chúng tôi, cả đường và chất tạo ngọt nhân tạo dường như biểu hiện những tác động tiêu cực liên quan đến béo phì và đái tháo đường, mặc dù thông qua các cơ chế rất khác nhau”.

– Brian Hoffmann, Ph.D.

Các tác giả kết luận rằng những thay đổi mạch máu mà họ quan sát thấy “có thể quan trọng trong quá trình khởi phát và tiến triển của bệnh đái tháo đường và béo phì.”

Thay đổi sinh hóa

Cả đường và chất tạo ngọt nhân tạo đều tạo ra những thay đổi về lượng chất béo, acid amin và các chất hóa học khác trong máu của chuột. Đặc biệt, chất tạo ngọt nhân tạo dường như thay đổi cách cơ thể xử lý chất béo và tạo ra năng lượng.

Công việc tiếp theo sẽ cần thiết để làm sáng tỏ những thay đổi này có ý nghĩa gì trong dài hạn.

Ngoài ra, chất tạo ngọt acesulfame kali được quan sát thấy tích tụ từ từ trong cơ thể. Nồng độ càng cao, tổn thương mạch máu càng nghiêm trọng hơn.

Hoffmann giải thích: “Chúng tôi quan sát thấy rằng, ở mức độ vừa phải, cơ thể của bạn có cơ chế để xử lý đường, khi hệ thống bị quá tải trong một thời gian dài cơ chế này bị phá vỡ”.

“Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng việc thay thế các loại đường này bằng chất làm ngọt nhân tạo không calo sẽ dẫn đến những thay đổi tiêu cực trong chuyển hóa chất béo và năng lượng.”

Câu hỏi mà tất cả chúng ta muốn trả lời là “cái nào an toàn hơn, đường hay chất làm ngọt?” Nhưng, tất nhiên, khi nói đến cơ chế hóa học bên trong của chúng ta, không có gì là rõ ràng. Như Hoffmann nói, “Nó không đơn giản như là ‘ngừng sử dụng chất làm ngọt nhân tạo’ là chìa khóa giải quyết các vấn đề sức khỏe tổng thể liên quan đến bệnh đái tháo đường và béo phì.”

Nhưng, Hoffmann cảnh báo, “Nếu bạn thường xuyên tiêu thụ những chất lạ này (cũng như đường) thì nguy cơ kết cục sức khỏe tiêu cực sẽ tăng lên.”

Một lần nữa, có vẻ như việc sử dụng chúng ở mức độ vừa phải là hành động tốt nhất.

  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Ds. Lê Vũ Hồng Hải – Phòng Dược & Xét Nghiệm
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Từ Tôn Quý – Ban Sự kiện Truyền Thông
  • N. T. K .Liên – Ban Sự kiện Truyền Thông