Cách tự chăm sóc cơn đau

Ở những bài viết kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề về biểu hiện, triệu chứng, phương pháp làm giảm, đảo ngược chuyển biến của bệnh. Nhưng trong bài viết tuần này, chúng tôi muốn nói đến việc tự chăm sóc khi bị nhưng cơn đau hành hạ. Và cách chăm sóc đó ra sao, chúng ta hãy cùng Y khoa Hợp Nhân tìm hiểu qua bài viết sau đây

Khi bị đau, không có gì bạn muốn hơn là chấm dứt cơn đau ngay lập tức. Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là tìm ngay hộp thuốc giảm đau trong tủ thuốc y tế.

Trước khi tự điều trị đau, bạn nên biết cơn đau bắt nguồn từ đâu. Một vài nguồn gốc của cơn đau rất dễ nhận biết: bạn cảm thấy đầu đau căng sau một ngày dài làm việc trên máy tính, cái lưng đau nhức sau buổi chiều làm vườn hoặc cơn đau nhức từ các khớp viêm. Nguồn gốc của một số cơn đau khác lại không rõ ràng, đặc biệt khi bạn trải qua cơn đau lần đầu tiên (đau gối hoặc hông khi bạn đi bộ) hoặc khi cơn đau kéo dài hơn thường ngày (cảm giác cứng cổ hoặc đau thắt lưng không giảm đi).

Thuốc giảm đau là loại thuốc được nghĩ đến đầu tiên khi chúng ta muốn giảm đau ngay lập tức.

Trong trường hợp này, hãy gặp bác sĩ để điều trị hoặc loại trừ những tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau cấp tính có thể thuyên giảm nhờ một số cách tự chăm sóc bản thân. Bên cạnh thuốc giảm đau không kê đơn, vài phương pháp đơn giản khác có thể có hiệu quả.

Thuốc không kê đơn

Khi bạn đến nhà thuốc tây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một loạt các sản phẩm thuốc giảm đau. Những loại thuốc này giúp kiểm soát cơn đau bằng cách can thiệp vào cách mà tín hiệu đau phát triển, dẫn truyền hay diễn giải.

Loại thuốc giảm đau quen thuộc của mọi người.

Thuốc giảm đau không kê đơn có thể có hiệu quả giảm nhiều loại đau từ nhẹ đến trung bình. Vài loại thuốc giảm đau khác cũng sẽ giúp giảm sưng và đỏ do viêm.

Thuốc giảm đau đường uống. Những loại tthuốc giảm đau trong tủ thuốc của bạn có thể chứa aspirin, ibuprofen hoặc naproxen natri. Những thuốc này có hiệu quả tốt nhất cho mức độ đau nhẹ đến trung bình đi kèm với sưng và viêm, như viêm khớp, bong gân và căng cơ.

Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm buồn nôn, đau dạ dày, hoặc thậm chí loét và xuất huyết dạ dày. Liều cao có thể dẫn đến vấn đề về thận và cao huyết áp. Những nguy cơ này cao hơn đối với người lớn tuổi, đặc biệt những người trên 75 tuổi.

Acetaminophen (Paracetamol, Tynelol) là loại thuốc rất thường được dùng giảm đau. Nó thường được khuyến cáo cho nức độ đau nhẹ tới vừa mà không có tình trạng viêm đi kèm – như đau đầu, đau bụng kinh, cảm cúm. Acetaminophen có thể  giúp làm dịu cơn đau, nhưng không giúp giảm tình trạng viêm, liên quan đến đau cơ và thoái hóa khớp.

Khi uống theo liều khuyến cáo, acetaminophen từ lâu được xem là có rất ít nguy cơ tác dụng phụ. Khi uống liều cao , có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và thận. Nguy cơ này cao hơn ở những người có sẵn bệnh gan hoặc nghiện rượu. Thật ra, nghiên cứu gần đây gợi ý liều khuyến cáo khi dùng lâu dài acetaminophen nên được giảm xuống – từ 4 xuống 2 gram một ngày – cho nhóm người này vì nguy cơ tổn thương gan.

Thuốc giảm đau tại chỗ. Những thuốc này ở dạng kem, gel, xịt, miếng dán, được dùng tại vùng da có cảm giác đau – như vùng khớp đau hoặc căng cơ. Thuốc giảm đau tại chỗ như diclofenac (Voltaren, Solaraze) và salicylate (Bengay, Icy Hot,…) có thể giúp giảm đau nhẹ đến trung bình mà không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm – một phần vì chúng được dùng tại chỗ thay vì đường toàn thân. Chúng thường được khuyến cáo cho người già, những người có nguy cơ cao bị tác dụng phụ từ thuốc giảm đau đường uống.

Chườm nóng và lạnh

Đôi lúc một túi đá lạnh hoặc túi nước ấm có thể giúp giải quyết cơn đau. Chườm nóng hoặc lạnh thường giúp làm dịu cơn đau khớp, đau lưng, đau cổ gáy …

Cơ chế giảm đau của phương pháp này:

  • Nguồn lạnh có thể làm dịu cơn đau bằng cách gây co mạch máu, điều này giúp giảm sưng. Đó là lý do tại sao khi bị thương – do ong đốt hoặc bong gân – chườm đá thường là lựa chọn tốt đầu tiên. Bạn có thể sử dụng 1 túi đá hoặc túi rau củ đông lạnh, hoặc nhúng hẳn vùng đau vào nước lạnh.
  • Nguồn nóng, ngược lại, giúp cơ bắp thư giãn. Nguồn nóng giúp giảm bớt căng cơ, do đó giúp làm dịu cơn đau. Nhiệt cũng giúp gia tăng dòng máu tới vị trí tổn thương, giúp tổn thương mau lành. Nguồn nhiệt được sử dụng có thể là miếng đệm nhiệt hoặc bồn tắm nước nóng.

Không may rằng, dùng nóng hoặc lạnh đơn thuần thường không giải quyết được cơn đau hoàn toàn. Nó thường chỉ giúp giảm độ nặng tổn thương và giảm viêm. Nhưng trong nhiều trường hợp, một miếng đệm nhiệt hoặc túi lạnh có thể dùng hỗ trợ thêm vào quá trình điều trị đau, làm tăng khả năng giảm đau.

Thay đổi lối sống

Một phần quan trọng của điều trị đau là chăm sóc sức khỏe toàn thể. Tự chăm sóc bản thân – bằng cách tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và luyện tập thư giãn – có thể giúp bạn kiểm soát được cơn đau.

Những cách không dùng thuốc có thể giúp giảm đau bao gồm:

  • Massage. Massage có thể giúp làm dịu căng cơ và căng thẳng. Các nghiên cứu gợi ý massage là cách hữu dụng nhất để điều trị đau trong khoảng thời gian ngắn; chỉ có rất nhỏ các nghiên cứu chứng minh hiệu quả lâu dài. Một nghiên cứu phát hiện rằng bấm huyệt – cách massage đặc biệt tương tự như châm cứu, nhưng không dùng kim châm – có thể giúp giảm đau hiệu quả hơn massage truyền thống.
  • Kích thích thần kinh bằng điện cực qua da (TENS). Giống như một chiếc máy nghe nhạc Mp3 gắn vào một dây điện cực, thiết bị TENS giúp giảm đau bằng cách giải phóng 1 xung điện mức độ thấp xuyên qua vùng da bị đau. Những xung điện này kích thích những dây thần kinh ngoại biên nhằm làm dịu cơn đau. Nghiên cứu cho thấy TENS hoạt động tốt nhất cho mức độ đau nhẹ, nhưng không phải ai cũng dùng nó cũng có hiệu quả.

Có nhiều cách bổ sung và phối hợp khác giúp kiểm soát đau mà bạn có thể áp dụng. Chúng bao gồm châm chứu, thảo dược, thiền, liệu pháp nhạc, thôi miên và vv… Hãy tìm xem cách nào bạn cảm thấy tốt nhất và hãy áp dụng nó.

Khi nào cần gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Bạn đã sử dụng thuốc giảm đau và massage. Bạn cũng đã dùng nhiệt và lạnh, thế nhưng cơn đau của bạn vẫn còn dai dẳng. Hãy đến gặp bác sĩ để có những lựa chọn giảm đau khác.

Bạn cũng nên gặp bác sĩ nếu:

  • Mức độ đau của bạn thay đổi. Ví dụ, cơn đau ban đầu ở mức độ 4 trên thang điểm đau nhưng hiện tại cơn đau đã đến mức 8.
  • Bạn có thêm triệu chứng mới. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn thấy cảm giác ngứa, châm chích, tê cóng, hoặc nóng rát hay bất cứu triệu chứng nào khác.
  • Nếu bạn cảm thấy phải dùng thuốc giảm đau hơn 10 ngày liên tục, và những cố gắng – như massage hoặc chườm nóng – không có hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ.
  • Bạn thoái chí và nản lòng. Bác sĩ của bạn có thể khuyến cáo kế hoạch sử dụng nhiều phương pháp cùng lúc – bao gồm thuốc kê đơn, các biện pháp bổ trợ và thay đổi lối sống – để cải thiện cơn đau và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Kết thúc bài viết, chúng tôi hi vọng mọi người biết thêm về cách cách tự chăm sóc khi đau, cũng như mặt lợi và hại của nó để có cách sử dụng phù hợp với từng trường hợp.

https://www.mayoclinic.org/self-care-approaches-to-treating-pain/art-20208634?pg=1

  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Từ Tôn Quý – Ban Sự kiện Truyền Thông
  • Trần Thị Bích Lê – Ban Sự kiện Truyền Thông