Viêm da tiếp xúc do côn trùng

Cứ đến mùa mưa, khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, các loài côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang tăng số lượng đáng kể và hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae, Coleoptera), trong cơ thể chúng có chứa pederin – độc tính gây bỏng.

Loài côn trùng này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài 0,7 – 1 cm, ngang 2 – 5 cm), có hai màu cam sẫm và đen, nhìn giống con kiến, do đó dân gian còn gọi với nhiều tên khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,…

Mặc dù thường không đốt hay cắn người nhưng chúng chứa các chất hoá học như peredin, có độc tính trên da người gây bỏng, viêm da bóng nước. Chất này được bài tiết ra ngoài để chúng phòng vệ khi bị tấn công hoặc khi cơ thể bị tổn thương dập nát. Vì vậy, hầu hết các tính huống xảy ra như là khi chúng ta làm việc, ngủ bị côn trùng rơi vào các vùng da hở, vô ý quẹt tay hoặc đập nát chúng và tiếp xúc với pederin gây ra viêm da bóng nước, hoặc côn trùng bám vào các vật dụng cá nhân như khăn mặt, kính, quần áo, găng tay, đồng hồ,… ta không chú ý và va chạm trực tiếp với chúng.

Lúc đầu có thể thấy ngứa, rát, căng da, đỏ da. Sau vài giờ, vùng da đỏ nhiều, thành đường, hơi phù nề, thương tổn tại vùng da tiếp xúc, có thể nổi mụn nước, mụn mủ, trợt, loét. Lúc này bệnh nhân cảm thấy đau, rát, có thể kèm sốt, khó chịu nhiều. Nếu tổn thương trên mặt có thể gây sưng. Khi mắc bệnh, nên tránh để lan tổn thương sang vùng da khác, không tự điều trị mà nên đến gặp bác sĩ da liễu để có chẩn đoán chính xác và hướng xử trí thích hợp.

Một số lời khuyên phòng bệnh:

– Ngăn kiến ba khoang vào trong nhà bắng cách sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào, nên ngủ trong mùng/màn, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà. Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng.

– Nếu có kiến ba khoang đang bò trên người, hãy thổi kiến bay khỏi người hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra, sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc.

– Không nên đập chết hoặc chà xát chúng trên da. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế độc tính.

– Nếu có kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.