Bệnh sởi và vắc xin ngừa sởi (MVVAC)

I. Bệnh Sởi
Vi rút Sởi nhiễm vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp hoặc qua kết mạc mắt, tại đây chúng được nhân lên trong đường hô hấp trên, các hạch bạch huyết tại chỗ và phóng thích vào máu, từ đó di chuyển đến các cơ quan làm bệnh khởi phát, biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, viêm long đường hô hấp: chảy nước mũi, ho và viêm vi phế quản, tăng tiết dịch ở kết mạc mắt, đường tiêu hóa, sang thương tại niêm mạc miệng (phía trong của má) biểu hiện bằng dấu Koplik và phát ban đặc trưng.
Bệnh có thể gặp ở khắp mọi nơi trên thế giới và xảy ra quanh năm. Bệnh rất dễ lây lan, dễ phát triển thành dịch theo chu kỳ từ 2-4 năm một lần tại các thành phố lớn. Tiêm vắc xin Sởi giúp ngăn ngừa khởi phát bệnh bằng cách tạo ra các miễn dịch chống lại vi rút Sởi, ngăn chặn sự nhân lên của vi rút sau khi nhiễm.
II. Vắc xin ngừa Sởi
1. Chỉ định
Vắc xin Sởi là một vắc xin vi rút sống, giảm độc lực được chỉ định để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh Sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người chưa có kháng thể Sởi.
2. Chống chỉ định
- Trường hợp mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
- Phụ nữ có thai.
- Trường hợp bị nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay suy giảm miễn dịch ( trừ trẻ em bị HIV).
- Người bị bệnh ác tính.
3. Thận trọng
Cần thận trọng đối với những trường hợp có tiền sử sốt cao, dị ứng, co giật, tổn thương não, giảm tiểu cầu.
Không nên tiêm vắc xin trong trường hợp đang sốt hay đang trong quá trình điều trị có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ( như dùng thuốc, truyền máu hay các chế phẩm từ máu…). Chỉ tiêm vắc xin cho trẻ khi đã hết sốt ít nhất là 3 ngày và sau khi kết thúc điều trị ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tối thiểu là 4 tuần.
4. Cách dùng
Đường tiêm: vắc xin Sởi chỉ được tiêm dưới da, không được tiêm tĩnh mạch.
Liều tiêm: 0,5ml/ liều
5. Lịch tiêm:
Lịch tiêm chủng cơ bản của Sởi
- Mũi 1: tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
- Mũi 2: trẻ được 18 tháng chỉ định tiêm cho trẻ Sởi mũi 2 bằng các vắc xin Sởi phối hợp (Sởi- Quai bị- Rubella hoặc Sởi- Rubella).
Phải đảm bảo trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi trong 2 năm đầu đời.
Lịch tiêm chủng Sởi có các trường hợp sau
- Trẻ tiêm vắc xin Sởi đơn lúc 9 tháng được tính là mũi Sởi 1. Lúc 12 tháng trẻ tiêm vắc xin Sởi- Quai bị- Rubella thì sẽ được tính là mũi Sởi 2.
- Trường hợp trẻ từ 12 tháng tuổi đến trước 17 tháng tuổi: đã tiêm 1 mũi vắc xin Sởi- Quai bị- Rubella, Sởi mũi 2 nên tiêm cho trẻ lúc 18 tháng có thể là Sởi-Rubella trong tiêm chủng mở rộng hoặc Sởi- Quai bị- Rubella trong tiêm chủng dịch vụ.
- Trường hợp trẻ tiêm trễ từ 18 tháng tuổi về sau, trẻ có thể tiêm một mũi vắc xin Sởi đơn hoặc Sởi- Rubella hoặc Sởi- Quai bị- Rubella. Lúc này, mũi Sởi 2 cách mũi Sởi 1 là 01 tháng.
6. Tác dụng không mong muốn
Không thấy xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin Sởi MVVAC.
Những phản ứng phụ có thể gặp là đau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Phản ứng này thường là nhẹ và sẽ hết sau khi tiêm 1-2 ngày.
Những phản ứng toàn thân như sốt, ban, ho và sổ mũi … cũng có thể xảy ra ở một vài trẻ em và thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày rồi tự khỏi mà không cần điều trị.
Rất hiếm gặp trường hợp bị co giật, viêm não hay giảm tiểu cầu ( tỉ lệ xuất hiện ≤ 1/1.000.000)
7. Tương tác
Không nên tiêm vắc xin khi đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch. Nếu dùng các thuốc này trong thời gian dài và với liều cao thì nên đợi ít nhất sau 6 tháng rồi mới tiêm vắc xin.
Trường hợp truyền máu hay các sản phẩm của máu nếu có kháng thể Sởi sẽ làm giảm tác dụng của vắc xin này.
Vắc xin Sởi có thể tiêm cùng với vắc xin Quai bị, Rubella mà không làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các vắc xin này. Có thể dùng đồng thời với các loại vắc xin phối hợp như Haemophilus tuyp b (Hib), vắc xin viêm gan B hoặc giải độc tố bạch hầu, uốn ván và vắc xin ho gà.
Một số vắc xin sống, giảm độc lực như: vắc xin OPV, thủy đậu, lao,…có thể ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch của vắc xin Sởi. Do vậy, khi đã tiêm những vắc xin trên thì phải đợi ít nhất sau 4 tuần rồi mới tiêm vắc xin Sởi.
8. Bảo quản
Lọ vắc xin đông khô được bảo quản ở nhiệt độ từ +20C đến +80C.