Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng, bảo quản và vệ sinh hàm giả tháo lắp

Hàm giả tháo lắp có 2 loại: Hàm giả tháo lắp toàn phần ( khi bệnh nhân mất răng toàn bộ trên hàm) và hàm giả tháo lắp bán phần (khi mất vài răng trên hàm)

Vật liệu sử dụng cho hàm giả có nhiều loại như nhựa cứng, nhựa dẻo, khung kim loại hợp kim

Thời gian đầu mang hàm giả, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu,vướng cộm, nước bọt tiết ra liên tục, phát âm khó khăn, đặc biệt có thể niêm mạc bị sang chấn đau, loét do hàm giả

Khi mới sử dụng hàm giả, nên mang hàm cả ngày lẫn đêm khoảng 3 ngày để giúp quen dần với hàm giả nhanh hơn. Chắc chắn, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và có thể bị đau do sang chấn niêm mạc. Nếu không đau quá, cố gắng mang hàm để xác định chính xác vùng đau và báo cho bác sĩ biết để mài chỉnh

Những ngày kế tiếp, trước khi ngủ hãy tháo hàm, chải rửa sạch và ngâm hàm vào ly nước sạch hoặc thuốc ngâm hàm

Nếu mang hàm khi ngủ thường xuyên, những răng còn lại sẽ rất dễ bị sâu, xương hàm sẽ tiêu nhanh hơn, đặc biệt khi mang hàm giả toàn bộ, ngoài ra có thể bị nhiễm nấm miệng do mang hàm giả liên tục

Khi tháo và lắp hàm phải cẩn thận, đúng cách mà bác sĩ đã hướng dẫn. Không nên tự ý chỉnh sửa các móc bằng kim loại hoặc mài giũa nền hàm, phải cẩn thận khi chải rửa hàm, đừng để bị rớt hàm

Khi không mang hàm giả, hàm phải được ngâm vào trong nước vì hàm giả có thể bị vênh nếu để khô

Lưu ý: sau giai đoạn quen với hàm giả, bắt đầu tập ăn với thức ăn mềm, nhai đều 2 bên ( lưu ý không nhai phía trước) và nhai chậm, dần dần sẽ ăn được thức ăn bình thường, không được ăn thức ăn quá dẻo và quá cứng

Sau thời gian sử dụng ( khoảng 3-5 năm), các cấu trúc trong miệng sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến hàm giả. Ảnh hưởng phổ biến nhất là tình trạng lỏng hàm do tiêu xương bên dưới nền hàm.

Khi có bất kỳ vấn đề nào như lỏng hàm, sút răng, gãy hàm… hãy đến bác sĩ để được chỉnh sửa.

Bs Hoàng Thị Bích Hiền, khoa Răng hàm Mặt, PK đa khoa Hợp Nhân