Giấc ngủ tốt có thể làm giảm nguy cơ tim mạch
Thời lượng và chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch hay không? Một nghiên cứu mới cho thấy có một mối liên kết giữa thời lượng giấc ngủ ban đêm – chất lượng giấc ngủ – và nguy cơ mắc phải các vấn đề về tim mạch.

Rất nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc duy trì cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, sẽ ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn những ảnh hưởng cụ thể của chất lượng giấc ngủ lên sức khỏe con người.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây được đăng trên tờ Medical News Today cho thấy rằng giấc ngủ kém có thể là dấu hiệu báo trước sự phát triển của bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và tình trạng cao huyết áp, ít nhất là ở phụ nữ.
Hiện tại, nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Quốc gia Carlos III tại Marid, Tây Ban Nha, và Đại học Tuffs – trụ sở tại Medford và Someville, Massachusetts – chỉ ra mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ và nguy cơ xơ vữa động mạch.
Bác sĩ José Ordovás, tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Bệnh tim mạch là một vấn đề lớn toàn cầu, nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa đang được áp dụng bao gồm thuốc men, hoạt động thể lực, và chế độ ăn”. “Nhưng nghiên cứu này nhấn mạnh rằng chúng ta phải xem giấc ngủ như là một vũ khí sử dụng để chống lại bệnh tim – một yếu tố mà chúng ta thỏa hiệp hằng ngày”.
Phát hiện này của nhóm nghiên cứu được đăng tải trên tờ Tạp chí của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ.
Thời lượng và chất lượng giấc ngủ
Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu y học của 3.974 cá thể có tuổi trung bình là 46, tại Tây Ban Nha, tham gia vào nghiên cứu “ Progression of Early Subclinical Atherosclerosis” (PESA).
Về cơ bản, nghiên cứu PESA thu thập tỷ lệ hiện mắc và độ tiến triển của các vấn đề về mạch máu ở những cá thể chưa có biểu hiện trên lâm sàng. Không ai trong số tình nguyện viên tham gia nghiên cứu PESA được chẩn đoán mắc các bệnh lý tim mạch trước đó, và 2/3 số người tham gia là nam giới.
Bên cạnh việc cho phép các bác sĩ nghiên cứu các tổn thương mạch máu, họ còn đồng ý mang sleep actigraph – một thiết bị cho phép theo dõi mô hình giấc ngủ của họ trong thời gian 7 ngày.
Sử dụng kết quả của actigraph, các nhà nghiên cứu phân chia người tham gia thành 4 nhóm:
- Nhóm ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm
- Nhóm ngủ 6 – 7 giờ mỗi đêm
- Nhóm ngủ 7 – 8 giờ mỗi đêm
- Nhóm ngủ nhiều hơn 8 giờ
Tất cả những người tham gia đều được siêu âm mạch máu 3D, CT scan tim để đánh giá bệnh tim mạch.
Nghiên cứu này phát hiện – sau khi loại trừ các yếu tố nguy cơ tim mạch khác – những người tham gia ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm làm tăng 27% nguy cơ mắc xơ vữa động mạch so với những người ngủ từ 7 -8 giờ mỗi đêm.
Chất lượng giấc ngủ kém – chẳng hạn như thức giấc thường xuyên giữa đêm – có có kết quả tương tự, làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch lên 34%.
Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, thậm chí nếu bạn ngủ ít, một giấc ngủ có chất lượng cũng có tác động đáng kể đến sức khỏe của bạn.
Bác sĩ Valentin Fuster, tổng biên tập của tờ Tạp chí của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ, lưu ý: “Cần nhận ra điều quan trọng rằng chất lượng ngủ tốt có thể khắc phục được tác động có hại của thời lượng ngủ ít”.
Điều thú vị là nghiên cứu cũng phát hiện một vài chứng cứ cho thấy những người ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi đêm – đặc biệt là phụ nữ – cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, mặc dù chỉ một số ít người có thời lượng ngủ quá nhiều .
Nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người ngủ ít thường có xu hướng uống nhiều thức uống chứa caffein và cồn.
“Nhiều người nghĩ rằng uống rượu sẽ giúp dễ ngủ hơn, tuy nhiên nó có tác dụng dội ngược”, Bác sĩ Ordovás giải thích. “Nếu bạn uống rượu, bạn dễ thức giấc sau một thời gian ngắn và khó trở lại giấc ngủ. Và nếu bạn có ngủ lại được thì đó cũng thường là một giấc ngủ kém chất lượng.”
Về tác dụng của cà phê, tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, rất có thể, tùy thuộc vào đặc tính di truyền của một cá thể và cách cơ thể họ phân hủy caffeine. “Tùy thuộc vào gen của bạn, nếu bạn chuyển hóa cà phê nhanh, giấc ngủ của bạn sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng nếu bạn chuyển hóa chậm, caffeine có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch”.
Bác sĩ Ordovás tin rằng nghiên cứu hiện tại mô tả chính xác hơn những nỗ lực trước đây về mối quan hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ tim mạch.
Nghiên cứu hiện tại lớn hơn so với nghiên cứu trước đây. Quan trọng nhất, nó báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập từ actigraph để xác định mô hình giấc ngủ, thay vì dựa trên dữ liệu tự báo cáo từ những người tham gia, những dữ liệu đó chủ quan và ít đáng tin cậy.
“Những gì mọi người báo cáo và những gì họ làm thường khác nhau,” Bác sĩ Ordovás cho biết. “Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy giấc ngủ được đo lường khách quan có liên quan độc lập với tình trạng xơ vữa động mạch không chỉ ở tim mà ở trên toàn cơ thể.”
Theo MedicalNewsToday
- Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
- Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
- Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
- Trần Thị Thanh Thùy – Ban Sự kiện Truyền Thông