Bệnh Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là bệnh hay gặp ở người thừa cân, rối loạn lipid máu, người lớn tuổi, người bệnh tiểu đường… Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim khác, đột qụy và tử vong.

Bệnh tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến hiện nay, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

ảnh: Cholestin.

Huyết áp là số đo về lực tác động của máu lên thành động mạch. Các số đo huyết áp thường được tính bằng milimét thủy ngân (mmHg). Ví dụ 110 trên 70 (110/70 mmHg). Huyết áp bao gồm 2 thông số:

  • Huyết áp tâm thu (số trên): Là trị số huyết áp cao nhất khi tim co bóp
  • Huyết áp tâm trương (số dưới): Là trị số huyết áp thấp nhất khi tim nghỉ ngơi.

Phân loại tăng huyết áp theo Ủy ban liên quốc gia (Hoa Kỳ) lần thứ 7 (JNC 7):

Phân loại

Huyết áp tâm thu

Huyết áp tâm trương

Bình thường < 120 mmHg <80 mmHg
Tiền tăng huyết áp 120 – 139 mmHg 80 – 89 mmHg
Tăng huyết áp giai  đoạn 1   140 – 159 mmHg 90 – 99 mmHg
Tăng huyết áp giai  đoạn 2 > 160 mmHg > 100 mmHg

Tăng huyết áp và bệnh tim là những vấn đề toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm chế biến đã ảnh hưởng đến lượng muối tiêu thụ và điều này đóng một vai trò trong việc tăng huyết áp.

Theo thống kê khoảng 85 triệu người ở Hoa Kỳ bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, theo Hội tim mạch học Việt Nam vào năm 2016 tỉ lệ người lớn mắc bệnh tăng huyết áp vào khoảng 48%.

Bệnh tăng huyết áp _ Nguyên nhân do đâu?

Hiện nay Y học mới chứng minh có khoảng 5% bệnh nhân bị tăng huyết áp là có nguyên nhân để điều trị triệt để, còn khoảng 95% bệnh nhân bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân nên được gọi là bệnh tăng huyết áp tiên phát nhưng đồng thời y học cũng chứng minh có một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tăng huyết áp như :

Bia rượu, thừa cân là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp.

Tuổi: Tăng huyết áp thường gặp hơn ở những người có độ tuổi trên 60. Tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng nhiều, do thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao.

Thừa cân: thừa cân và béo phì là yếu tố chính dẫn đến mắc bệnh tăng huyết áp.

Giới tính: Nguy cơ mắc bệnh là như nhau đối với nam và nữ, nhưng nam giới có xu hướng bị tăng huyết áp hơn ở độ tuổi trẻ hơn, trong khi tỷ lệ này có xu hướng cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi.

Tình trạng sức khoẻ hiện tại: Bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính và mức cholesterol cao là những yếu tố tiên đoán tăng huyết áp, đặc biệt đối với người lớn tuổi.

Những yếu tố nguy cơ khác:

  • Ít hoạt động thể lực.
  • Chế độ ăn nhiều muối, ít kali.
  • Hút thuốc lá.
  • Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.
  • Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức).

Sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lí để tránh huyết áp cao.

Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Người bị tăng huyết áp có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng gì, khi không được phát hiện, nó có thể gây tổn hại cho hệ tim mạch và các hệ thống cơ quan khác. Theo nghiên cứu khoa học thì có khoảng 30% người tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh, vì thế nên thường xuyên đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm tăng huyết áp.

Tăng huyết áp về lâu dài có thể gây ra các biến chứng do xơ vữa động mạch, nơi hình thành mảng xơ vữa gây ra sự thu hẹp mạch máu. Điều này làm tăng huyết áp nặng hơn, vì tim phải bơm mạnh hơn để cung cấp máu cho cơ thể.

Xơ vữa động mạch liên quan đến tăng huyết áp có thể dẫn đến:

  • Suy tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Phình mạch, là sự phình lên bất thường trong thành động mạch. Khi phình mạch vỡ gây chảy máu nghiêm trọng và có thể tử vong.
  • Suy thận
  • Đột quỵ
  • Bệnh võng mạc do tăng huyết áp, có thể dẫn đến mù lòa.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên có thể giúp phòng tránh được những biến chứng trầm trọng.

Chuẩn đoán tăng huyết áp như thế nào là đúng?

Cách đơn giản nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp định kỳ.

Đo huyết áp định kỳ để kiểm soát tình trạng huyết áp cao.

Ảnh: dieuhoahuyetap.com.

Chẩn đoán tăng huyết áp được thực hiện bằng cách đo huyết áp vài lần tại phòng khám bằng cách sử dụng thiết bị lên phía trên cánh tay được gọi là máy đo huyết áp. Bạn có thể đo huyết áp tại bệnh viện, cơ sở y tế hoặc tại nhà, tuy nhiên bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra các yếu tố nguy cơ, các bệnh khác đi kèm cũng như được tư vấn và điều trị tốt nhất.

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám trước khi chẩn đoán tăng huyết áp. Một số xét nghiệm bổ sung có thể giúp xác định nguyên nhân tăng huyết áp và các biến chứng.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim, siêu âm bụng..v.v..

Trước khi đo huyết áp, nên ngồi ở tư thế thoải mái và thư giãn khoảng 5 đến 10 phút. Không nên đo ngay sau khi chạy, leo cầu thang, khi quá đói , hoặc quá mệt, không nên uống các loại nước có chất kích thích,… sẽ khiến huyết áp thay đổi tạm thời khiến cho kết quả không chính xác.

Cách phòng ngừa, điều trị bệnh tăng huyết áp.

Hạn chế muối: Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, lượng muối ăn trung bình từ 9 – 12g/ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo giảm lượng muối ăn xuống dưới 5g/ngày, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và các vấn đề sức khoẻ liên quan. Điều này có thể mang lại lợi ích cho cả người có và không có tăng huyết áp, nhưng những người bị tăng huyết áp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Hạn chế rượu bia: Uống rượu bia quá mức liên quan đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.

Chế độ ăn uống hợp lí: Bổ sung nhiều rau quả, ít chất béo trong thực đơn hàng ngày:

  • Có thể bổ sung một số loại thức ăn sau: ngũ cốc nguyên hạt, các loại thực phẩm nhiều chất xơ, nhiều loại trái cây và rau quả. Đậu và các loại hạt, cá giàu omega-3, thịt gia cầm, và các sản phẩm ít chất béo.
  • Tránh các chất béo dạng trans, dầu thực vật hydro hoá, và chất béo động vật.

Hạn chế chất béo, bổ sung rau quả trong thực đơn.

Ảnh: suckhoe9.com.

Tăng huyết áp có liên quan mật thiết với khối lượng cơ thể thừa và giảm cân thường đi kèm với sự giảm huyết áp. Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với lượng calo phù hợp sẽ giúp đạt được cân nặng lý tưởng và cải thiện tình trạng tăng huyết áp.

Tập thể dục thường xuyên: Các bác sĩ khuyên bệnh nhân tăng huyết áp tập thể dục ở mức độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội,… 30 phút một ngày từ 5 đến 7 ngày trong tuần.

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao.

Giảm căng thẳng, tránh stress: đồng thời cũng chính là phòng bệnh tăng huyết áp.

Thuốc: Ngoài việc cải thiện về lối sống, chế độ ăn uống, một số người bệnh tăng huyết áp cần được điều trị với thuốc.

Các loại thuốc hạ huyết áp thường dùng:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Bêta blockers
  • Ức chế kênh canxi
  • Ức chế thụ thể
  • Ức chế men chuyển

Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào từng cá nhân và các bệnh khác kèm theo.

  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Trần Thị Bích Lê – Ban Sự kiện Truyền Thông