Đột quỵ diễn ra như thế nào?

Đột quỵ (stroke) có thể thay đổi mạnh mẽ tâm trí và cơ thể. Các triệu chứng có thể khác nhau giữa người này với người khác, nhưng trong số đó vẫn có những trường hợp phổ biến và thường thấy, thường bắt gặp nhất…

Đột quỵ xảy ra khi cục máu đông hoặc một động mạch bị vỡ ngăn cản dòng máu đến não. Khi các tế bào não không nhận đủ máu, chúng có thể bị tổn thương hoặc chết.

Các phần khác nhau của não kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể, do đó đột quỵ có thể ảnh hưởng đến hầu như bất kỳ phần nào của cơ thể.

Mặc dù rất khó tiên đoán trước cơn đột quỵ, một số bước có thể thực hiện giúp giảm nguy cơ. Bài viết dưới đây mô tả các loại đột quỵ, cái nhìn tổng quan để tìm hiểu cảm giác đột quỵ như thế nào và cách để nhận biết một người đột quỵ.

Đột quỵ cảm thấy như thế nào?

Danh sách dưới đây bao gồm các dấu hiệu kinh điển của đột quỵ. Người ta thường chỉ gặp phải một số triệu chứng trong số chúng. Ví dụ, một người bị tê và khó giữ thăng bằng do đột quỵ có thể vẫn tỉnh táo hoàn toàn và không có vấn đề về nhận thức. Điều này khiến họ chậm trễ đến bệnh viện.

Nếu ai đó gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, họ nên tìm kiếm trợ giúp y tế càng sớm càng tốt:

  • Gặp vấn đề về nói hoặc hiểu người khác
  • Tê hoặc liệt một bên mặt
  • Tê hoặc yếu một bên của cơ thể
  • Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc giữ thăng bằng
  • Có vấn đề về thị lực
  • Đau đầu dữ dội
  • Chóng mặt
  • Nuốt khó
Liệt nửa mặt là triệu chứng thường gặp của đột quỵ

Trong số các triệu chứng trên, đau đầu là triệu chứng đau duy nhất. Nhiều người bị đột quỵ không cảm thấy bất kỳ cơn đau nào.

Nếu một người không chắc liệu có vấn đề gì không ổn đang diễn ra, họ có thể bỏ qua các triệu chứng khác. Tuy nhiên, trong trường hợp đột quỵ, hành động nhanh là điều cần thiết. Hãy chú ý đến tất cả các triệu chứng và nhanh chóng gọi xe cứu thương nếu chúng xuất hiện.

Bất cứ ai đang nghi ngờ một cơn đột quỵ không nên điều khiển xe. Các triệu chứng có thể nhanh chóng trở nên tệ hơn và họ có thể gây tai nạn cho bản thân hoặc cho người khác.

Trong video sau, một nhà khoa học nói về cảm giác bị đột quỵ. Bà ấy nhận ra các dấu hiệu và cảm nhận ​​sự biến mất dần dần của trí nhớ, lời nói và khả năng di chuyển:

Cần phải làm gì

Chiến dịch Act FAST nhằm mục đích giáo dục mọi người để họ có thể nhận ra đột quỵ càng sớm càng tốt. Điều này là do cơn đột quỵ càng không được điều trị sớm, càng có nhiều tổn thương có thể xảy ra. FAST là từ viết tắt viết tắt của:

  • Facial drooping – Liệt mặt
  • Arm weakness – Yếu tay
  • Speech difficulties – Nói khó, nói đớ
  • Time to call emergency services – Thời gian gọi cấp cứu, càng nhanh càng tốt

Nếu một người không thể nhấc cả hai tay, mỉm cười cả hai bên miệng, hoặc nói một câu đầy đủ, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu. Bất kỳ triệu chứng nào trong số này có thể báo hiệu một cơn đột quỵ.

Đột quỵ gây ra những ảnh hưởng gì?

Ảnh hưởng của đột quỵ khác nhau, tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương.

Một yếu tố khác là thời gian nhận được sự điều trị. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến tế bào não bị chết hoặc bị tổn hại.

Một số người chỉ gặp một số vấn đề nhỏ sau một cơn đột quỵ, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc phối hợp vận động khó khăn. Những người khác có thể cần phải học lại các chức năng cơ bản, chẳng hạn như đi bộ hay khả năng nuốt, và họ sẽ cần được hỗ trợ liên tục.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tử vong do đột quỵ chiếm 1 trên 20 ca tử vong ở Hoa Kỳ.

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng, bao gồm:

Khả năng nhìn

Khoảng một phần ba số người bị đột quỵ gặp vấn đề về khả năng nhìn sau đó. Chúng có thể dao động từ nhìn mờ nhẹ ở một mắt đến mù hoàn toàn.

Trong khi một số chức năng thị giác có thể cải thiện sau cơn đột quỵ, sự phục hồi hoàn toàn ít khi xảy ra.

Những vấn đề về thị giác sau đây cũng có thể do đột quỵ:

  • Rối loạn vận nhãn (khả năng vận động của mắt)
  • Mất thị lực một phần
  • Khô mắt
  • Rung giật nhãn cầu

Những vấn đề về thị giác ít gặp hơn bao gồm:

  • Agnosia, chỉ tình trạng khó nhận ra khuôn mặt hoặc các vật quen thuộc.
  • Visual neglect, chỉ tình trạng không nhận thức được những thứ ở phía bên cơ thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.

Ảnh hưởng lên cơ thể

Sau một cơn đột quỵ, một số người trải nghiệm:

  • Khó nuốt
  • Không thể nâng phần phía trước của bàn chân, được gọi là bàn chân rớt
  • Tiêu, tiểu không tự chủ
  • Đau
  • Mệt mỏi
  • Liệt cơ
  • Co giật
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Khó kiểm soát cơ
  • Co thắt cơ

Một người có thể có chỉ một hoặc nhiều triệu chứng. Chúng có thể nặng hoặc nhẹ và có thể cải thiện theo thời gian.

Ảnh hưởng lên cảm xúc

Đột quỵ có thể khiến một người cảm thấy run rẩy, bối rối và sợ hãi. Đột quỵ là sự kiện thay đổi cuộc sống và có thể khiến một người phải học lại các chức năng hoặc hoạt động cơ bản.

Kinh nghiệm của mỗi người rất khác nhau, nhưng thường là hữu ích khi trao đồi về cơn đột quỵ và tác động của nó với bạn bè, gia đình, một nhà trị liệu, hoặc một nhóm hỗ trợ.

Một người bị đột quỵ có thể trải nghiệm:

  • Trầm cảm
  • Cảm giác dễ bị tổn thương
  • A loss of identity (tạm dịch – mất định nhân cách)
  • Rối loạn lo âu
  • Cảm giác là gánh nặng
  • Chán nản, thất vọng

Nói chuyện với một chuyên gia là điều hết sức cần thiết nếu những cảm xúc này bắt đầu trở nên áp đảo. Một bác sĩ trị liệu có thể giúp một người đối phó với tác động cảm xúc của đột quỵ và tạo ra sự thay đổi làm giảm tình trạng căng thẳng.

Các loại đột quỵ

Có ba loại đột quỵ.

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (nhồi máu não), gây ra bởi cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu đến não.
  • Đột quỵ xuất huyết não, xảy ra khi một mạch máu bị vỡ.
  • Ministroke, hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (Transient Ischemic Attack, viết tắt TIA), gây ra bởi cục máu đông tạm thời.
Đột quỵ nhồi máu não (hình trái) và đột quỵ xuất huyết não (hình phải)

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) cảm thấy như thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng của TIA cũng giống như các loại đột quỵ khác, nhưng chúng phục hồi nhanh hơn.

Một cơn TIA thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Các triệu chứng có thể trôi qua nhanh đến nỗi người ta hầu như không chú ý đến chúng. Ví dụ, một người có thể gặp nói khó hoặc di chuyển khó trong một vài phút trước khi các chức năng này trở về bình thường.

Bất cứ ai nghi ngờ rằng họ đã có một một cơn TIA nên tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp. Chúng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm rằng một cơn đột quỵ thực sự có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây đột quỵ?

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là do cục máu đông trong các mạch máu ngăn dòng máu chảy vào não. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu yếu trong não bị vỡ.

Không thể dự đoán được đột quỵ, nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ này.

Các yếu tố nguy cơ không thể tránh khỏi bao gồm:

  • Tuổi tác. Khi lớn tuổi, thành động mạch cứng và hẹp lại, khiến chúng dễ bị tắc nghẽn hơn.
  • Giới tính. Nam giới trẻ tuổi có nhiều nguy cơ hơn phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, sau thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn nam giới.
  • Tiền sử gia đình. Nếu có người họ hàng gần đã bị đột quỵ, người đó có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
  • Tiền sử cá nhân. Nếu một người đã từng bị đột quỵ, người này có nguy cơ bị một cơn đột quỵ khác trong tương lai cao hơn.

Tránh những điều sau đây có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ:

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Rượu bia
  • Ít vận động
  • Căng thẳng
  • Thuốc chống viêm không steroid, vd: ibuprofen và naproxen
  • Thuốc tránh thai nội tiết tố

Một người có thể dễ bị đột quỵ hơn nếu họ có bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Trầm cảm
  • Cholesterol cao
  • Huyết áp cao
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Viêm mạch
  • Bệnh đái tháo đường

Phục hồi

Mỗi cơn đột quỵ có các tác động khác nhau, và mức độ tổn thương thay đổi rất nhiều từ người này sang người khác. Nhóm đột quỵ (Stroke team) sẽ giúp đánh giá các ảnh hưởng của đột quỵ và theo dõi tiến triển người bệnh tại bệnh viện và tại nhà.

Phục hồi có thể là một quá trình lâu dài, liệu pháp nghề nghiệp và các hình thức hỗ trợ khác có nhiều lợi ích nhằm phục hồi sự tự lập của người bệnh.

  • Bs. Giang Tú – Giám Đốc Y Khoa
  • Bs. Đặng Trịnh Cao Triệu – Phòng Chuyên Môn Y
  • Ds. Lê Vũ Hồng Hải – Phòng Dược & Xét Nghiệm
  • Quản Trọng Quốc Huy – Phòng Chăm Sóc Khách Hàng
  • Từ Tôn Quý – Ban Sự kiện Truyền Thông
  • N.T.K.Liên – Ban Sự kiện Truyền Thông